Tiềm năng lớn
Hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới, Việt Nam cũng nằm trong xu thế chung và có nhiều tiềm năng phát triển.
Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh Toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho rằng Việt Nam có nhiều lợi thế cho các DN Fintech phát triển như: quy mô dân số với 96,2 triệu dân; tỷ lệ tiếp cận các dịch vụ tài chính ngân hàng của người dân hiện nay là 45,8 triệu, chiếm 63% dân số có tài khoản ngân hàng và tiếp cận với ít nhất 1 dịch vụ tài chính. Đặc biệt là mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu có khoảng 70% tỷ lệ người dân được tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng.
Tuy nhiên, theo đánh giá, hoạt động Fintech phát triển ở Việt Nam nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện nay, theo thống kê không chính thức của NHNN, có gần 150 DN Fintech đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chủ đạo là lĩnh vực thanh toán, có 30 tổ chức trung gian thanh toán được NHNN cấp phép. Ngoài ra, còn có các lĩnh vực khác như cho vay ngân hàng, cung cấp giải pháp ngân hàng như xác thực điện tử, ứng dụng blockchain, dịch vụ tài chính cá nhân…
Dẫu vậy, ông Sơn hy vọng: “Nhìn vào các diễn biến hiện nay chắc chắn sẽ có các DN kỳ lân (các DN được định danh trên 1 tỷ USD). Bởi, hiện có nhiều DN tiềm năng đã thu hút được vốn đầu tư lớn từ các quỹ đầu tư nước ngoài”.
Giới phân tích tài chính cũng cho rằng Fintech là nhân tố không thể thiếu trong việc thúc đẩy nền kinh tế số đang ở giai đoạn đầu ở Việt Nam. Với tiềm lực vốn nhỏ bé và công nghệ sơ khai của các DN hiện nay, rất cần mở cửa để hút vốn và công nghệ nước ngoài vào phát triển thị trường này.
Tuy nhiên, theo lý giải của NHNN, Fintech là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, liên quan đến hoạt động ngân hàng và thị trường tài chính, ảnh hưởng đến sự ổn định và an toàn trong chính sách tiền tệ của quốc gia.
Do đó, để tránh sự thao túng của nhà đầu tư nước ngoài cũng như để đảm bảo chủ quyền quốc gia trong hoạt động ngân hàng tài chính thì cần thiết quy định tỷ lệ tham gia góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào các công ty Fintech, trong đó không loại trừ trung gian thanh toán. Hiện, các ngân hàng đã bắt tay với trung gian thanh toán trong nước, thiết lập liên minh để làm đối trọng với nước ngoài, nếu không muốn thị trường Việt Nam giống như Trung Quốc, nơi mà thị phần thanh toán của nhiều ngân hàng đã bị các ví điện tử như Alipay, WeChat Pay nuốt trọn.
Room ngoại 30% “bó chân” Fintech?
Đầu năm 2019, NHNN đã trình Chính phủ đề xuất sửa đổi Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, cơ quan này muốn hạn chế đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực trung gian thanh toán tối đa không quá 30%, tương đương với hạn mức đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng.
Đánh giá chính sách đẩy mạnh phát triển Fintech tại Việt Nam, các chuyên gia lưu ý Việt Nam vừa ký kết các Hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA. Vì vậy, xây dựng chính sách cần tránh vi phạm cam kết quốc tế, trong đó có cam kết mở cửa lĩnh vực tài chính – ngân hàng, bao gồm tất cả các dịch vụ thanh toán và chuyển tiền, tư vấn, trung gian…
Ngoài ra, việc giới hạn tỷ lệ room ngoại cũng có ý kiến ví như “lấy dây buộc chân mình”. Ông Varun Mittal, Phó Chủ tịch Hiệp hội Fintech Singapore, Trưởng Bộ phận tư vấn dịch vụ Fintech tại các thị trường mới của Ernst & Young Singapore, chia sẻ: “Nếu muốn tạo điều kiện cho Fintech Việt Nam trở thành DN khu vực, chúng ta phải giúp họ phát triển, mở rộng quy mô, tiếp cận vốn, có cơ chế quản lý linh hoạt, có thể mở rộng, không chỉ phục vụ Việt Nam mà còn trở thành người khổng lồ châu Á”.
Đồng tình, ông Tuấn cho rằng Fintech hiện rất cần vốn đầu tư nước ngoài để phát triển, từ đầu tư cho công nghệ, thị trường cho đến nhân lực. Do đó, việc hạn chế đầu tư nước ngoài sẽ kìm hãm sự phát triển của Fintech.
Phân tích thêm, một số ý kiến nêu việc Chính phủ đã cho phép ngân hàng 100% vốn nước ngoài (chi nhánh) hoạt động, kể cả trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, cùng với đó xem xét nới giới hạn cho các ngân hàng thương mại. Vì vậy cũng không nên quá lo ngại về việc không kiểm soát được lĩnh vực Fintech nếu đã có các cơ chế giám sát khác.
Chia sẻ về chính sách phát triển Fintech hiện nay, Ts. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho hay Chính phủ có quyết tâm trong việc thúc đẩy kinh tế số và tạo điều kiện cho Fintech phát triển. Vì vậy, cần có một cơ chế quản lý rủi ro linh hoạt để có điều chỉnh nhanh theo sự vận động của công nghệ và thị trường.
Huyền Anh