Đại hội đồng cổ đông của Eximbank nhiều lần "đổ vỡ" |
Eximbank vừa phát hành báo cáo thường niên năm 2019. Không giống với các ngân hàng khác, tại báo cáo thường niên này "khuyết" tiếng nói của Chủ tịch HĐQT. Thay vào đó là chia sẻ của ông Nguyễn Cảnh Vinh với vai trò là quyền Tổng giám đốc gửi tới khách hàng, cổ đông và nhà đầu tư.
Phát triển thụt lùi
Ông Nguyễn Cảnh Vinh nhìn nhận, năm 2019 đánh dấu năm thứ hai trong quá trình triển khai chiến lược trung hạn của Eximbank giai đoạn 2018 – 2020, qua đó ngân hàng đã có nhiều bước tiến tích cực ở các sáng kiến lớn và đạt được các chỉ tiêu đáng khích lệ.
Cụ thể, tổng tài sản đạt 167.538 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,85% năm 2018 xuống 1,71% vào cuối năm 2019, thuộc nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp trong hệ thống.
Thu nhập từ các hoạt động dịch vụ cũng tăng lên đáng kể, cụ thể thu phí thẻ tăng trưởng 33% so với năm 2018; thu nhập phí bảo hiểm đạt gấp 3 lần so năm 2018, góp phần đưa mức tăng trưởng thu nhập dịch vụ năm 2019 lên 12%, tăng cao nhất trong 3 năm gần đây.
Cùng với những kết quả tích cực về mặt tài chính, năm 2019, Eximbank đã triển khai thành công các dự án tăng cường năng lực quản trị rủi ro như dự án thông tư 41, dự án thông tư 13 dưới sự tư vấn chuyên nghiệp của đối tác KPMG.
Ông Vinh đánh giá những kết quả trên là tiền đề để năm 2020 phát triển. "Với những kế hoạch đã đề ra, Ban lãnh đạo ngân hàng đồng lòng cùng toàn thể CBNV tiếp tục chung tay, xây dựng hướng tới tương lai đưa Eximbank trở về vị thế vốn có của mình trên thị trường tài chính", ông Vinh nhấn mạnh.
Nhìn lại quá khứ, thời hoàng kim của Eximbank vào năm 2011 đạt lợi nhuận sau thuế lên tới hơn 3.000 tỷ đồng. Năm đó, thu nhập từ lãi thuần của Eximbank cao gấp đôi so với năm 2014. Lợi nhuận từ hoạt động khác, thu nhập khác của Eximbank rất lớn, trong khi đó chi phí dự phòng rủi ro tín dụng không đáng kể.
Tuy nhiên, sau 2 năm, Eximbank "rớt đài" tụt xuống 828 tỷ đồng trong năm 2013, rồi xuống 69 tỷ đồng trong năm 2014. Đến năm 2015, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cuối năm này là âm 817 tỷ đồng.
Năm 2019, dù có kết quả tích cực nhưng lợi nhuận sau thuế của Eximbank vẫn chưa cán đích nghìn tỷ và chỉ bằng 28% so với mức lợi nhuận mà nhà băng này ghi nhận vào thời điểm "đỉnh cao" năm 2011.
Phụ thuộc vào "cuộc chiến quyền lực"
Vì vậy, khi lãnh đạo Eximbank đưa ra mục tiêu đưa ngân hàng trở về vị thế vốn có của mình trên thị trường tài chính, nhiều ý kiến nghi ngại khó thực hiện được, bởi Eximbank chưa “dẹp yên” được mâu thuẫn nội bộ và cuộc chiến "quyền lực" đang có phần căng thẳng như hiện nay.
Thậm chí, không ít ý kiến còn cho rằng cuộc chiến nội bộ, những toan tính của các nhóm cổ đông lớn tiếp tục tiếp diễn có thể kéo lùi sự phát triển của Eximbank trong năm 2020 và những năm tiếp theo.
Đánh giá về những xung đột quyền lực tại Eximbank, theo một chuyên gia, những mâu thuẫn giữa nhà đầu tư ngoại và nội hiện nay là khá lớn, đặc biệt là vấn đề quản trị doanh nghiệp.
"Ông chủ" nội nhiều khi mục đích điều hành mang tính gia đình. Trong khi đó, nhà đầu tư ngoại khi bỏ ra rất nhiều tiền muốn thông tin về hoạt động phải minh bạch, công khai, kinh doanh phải có hiệu quả. Khi không đạt được mục đích này, nhà đầu tư sẽ tìm mọi cách để thay đổi tư duy quản lý, "vá lỗ hổng" về quản trị doanh nghiệp... bằng cách nắm quyền chủ chốt. Đây cũng chính là lý do dẫn đến xung đột giữa hai nhóm cổ đông.
"Chỉ khi nào cuộc chiến quyền lực tại Eximbank kết thúc, các cổ đông lớn tìm được tiếng nói chung thì mới hy vọng niềm tin của người dân, nhà đầu tư vào Eximbank quay trở lại. Đó là tiền đề để cải thiện hoạt động kinh doanh, hy vọng sớm tìm lại được ngôi vị top đầu trong các ngân hàng như vốn có trước đây", chuyên gia nhận định.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, những mâu thuẫn như hiện tại của Eximbank sẽ gây thiệt hại cho ngân hàng, cho nhà đầu tư. Chắc chắn HĐQT của Eximbank phải tự ngồi lại với nhau mới có thể giải quyết được vấn đề để tránh thiệt hại cho ngân hàng, nhà đầu tư.
Ngoài ra, chuyên gia này cũng cho rằng, trong cuộc chiến quyền lực tại Eximbank, Ngân hàng Nhà nước với vai trò cơ quan quản lý cũng chỉ có thể đưa ra khuyến cáo và cho thời hạn để giải quyết vấn đề chứ không thể tự giải quyết thay được.
"Cũng như vấn đề trong một gia đình, mâu thuẫn gia đình thì người ngoài làm sao mà can thiệp được? Nếu như sau thời gian cho phép của Ngân hàng Nhà nước mà Eximbank vẫn chưa giải quyết được dứt điểm tình trạng trên thì phải đưa ra yêu cầu tái cơ cấu mạnh mẽ HĐQT. Bởi hiện nay, trục trặc của Eximbank vẫn là HĐQT không đoàn kết, thống nhất. Nhiều khi như thế là vì tư lợi chứ không phải vì lợi ích chung của ngân hàng, cổ đông", ông Lực nhấn mạnh.
Thanh Hoa