Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) phát đi thông cáo báo chí liên quan đến tài liệu lan truyền trên mạng xã hội.
Trước đó trên mạng xã hội lan truyền trang đầu tài liệu đề "Đơn kiến nghị và phản ánh khẩn cấp về rủi ro nghiêm trọng dẫn đến mất an toàn hoạt động..." của Eximbank.
Eximbank khẳng định đây là tài liệu chưa được xác thực, không rõ nguồn gốc và không có chữ ký, không có con dấu.
"Eximbank đang đề nghị cơ quan chức năng hỗ trợ xác minh, làm rõ động cơ của hành vi phát tán tài liệu này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngân hàng, khách hàng, cổ đông và đối tác", thông báo của Eximbank cho hay.
Eximbank khẳng định đây là tài liệu chưa được xác thực, không rõ nguồn gốc và không có chữ ký, không có con dấu. |
Eximbank cũng khẳng định ngân hàng vẫn đang hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tài chính đa dạng của khách hàng và đối tác. Các số liệu tài chính của Eximbank luôn được công khai minh bạch và được kiểm toán độc lập theo tiêu chuẩn quốc tế. Các chỉ số tài chính quan trọng hiện đang ở mức an toàn cao và ổn định, đáp ứng tốt các yêu cầu về vốn, thanh khoản và hoàn toàn có khả năng chịu đựng trước các rủi ro thị trường.
Theo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2024, tổng tài sản của Eximbank tăng 11% so với đầu năm, tổng huy động tăng 9,1%, dư nợ cho vay tăng 15,1%; lợi nhuận trước thuế đều tăng qua các quý (trong đó lợi nhuận trước thuế quý 3 tăng 39% so với cùng kỳ); tỷ lệ an toàn vốn CAR luôn ở ngưỡng 12 -14% (cao hơn so với ngưỡng 8% theo quy định Ngân hàng Nhà nước).
Trên thị trường chứng khoán, trong hai ngày 14 và 15/10, cổ phiếu Eximbank (EIB) giao dịch không mấy tích cực. Trong ngày 14/10, thị giá cổ phiếu này giảm tới 4,45%, khối lượng khớp lệnh tăng đột biến với gần 42,7 triệu đơn vị được khớp lệnh, tăng gấp 7 – 8 lần so với trung bình các phiên liền trước.
Trong ngày 15/10, EIB thu hẹp mức giảm còn 0,27%, khớp lệnh hơn 15,6 triệu đơn vị.
Ngay sau khi Eximbank phát đi thông báo khẳng định tài liệu phản ánh nguy cơ mất an toàn hoạt động đang lan truyền trên mạng xã hội chưa được xác thực, cổ phiếu EIB trong phiên giao dịch sáng ngày 16/10 đã phục hồi 2,75% lên mức 18.700 đồng/cổ phiếu.
Đầu tháng 8/2024 vừa qua, CTCP Tập đoàn Gelex (Gelex, mã GEX) đã gom gần 175 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 10% vốn điều lệ của ngân hàng và trở thành cổ đông lớn nhất của Eximbank. Ngoài Gelex, theo danh sách đến ngày 13/8/2024, Eximbank còn có các cổ đông nắm trên 1% vốn gồm: CTCP Chứng khoán VIX nắm 62,3 triệu cổ phiếu, tương đương 3,58% vốn điều lệ; bà Lê Thị Mai Loan nắm 17,9 triệu cổ phiếu, tương đương 1,03% vốn và bà Lương Thị Cẩm Tú nắm 19,5 triệu cổ phiếu, tương ứng 1,12% vốn. Trong đó, bà Lê Thị Mai Loan là cổ đông có liên quan tới nhóm Bamboo Capital.
Mới đây, Eximbank đã công bố việc triệu tập đại hội cổ đông bất thường vào ngày 28/11 tại Hà Nội.
Cuộc họp được tổ chức nhằm thông qua việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính của Eximbank và các nội dung khác thuộc thẩm quyền. Ngày đăng ký cuối cùng để hưởng quyền dự họp và biểu quyết là 29/10.
Trước đó, tại đại hội cổ đông thường niên năm nay, Eximbank cũng đã trình kế hoạch chuyển trụ sở chính từ tầng 8 tòa nhà Vincom Center, số 72 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM, sang tòa nhà văn phòng (Fideco Center) tại số 28 Phùng Khắc Khoan, phường Đa Kao, quận 1. Tuy nhiên, tờ trình này không được đại hội cổ đông thông qua.
Thanh Hoa