Theo thống kê của VnBusiness, năm 2021, riêng 4 "ông lớn" ngân hàng quốc doanh thu về 73.000 tỷ đồng lợi nhuận (chiếm 37% tổng lợi nhuận trước thuế của 27 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính). Mặc dù dẫn đầu về lợi nhuận, song các nhà băng này vẫn "ôm" nhiều nợ xấu, khoảng 33.700 tỷ đồng.
Lợi nhuận song hành cùng nợ xấu
Trong năm 2021, 4 "ông lớn" ngân hàng quốc doanh bao gồm: BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Agribank làm ra 73.000 tỷ đồng lợi nhuận, tiếp tục nằm trong nhóm 10 nhà băng có lợi nhuận cao nhất.
4 "ông lớn" ngân hàng quốc doanh đạt 73.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2021. |
Cụ thể, Vietcombank vẫn giữ vị trí quán quân lợi nhuận với trên 27.376 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2020; VietinBank ghi nhận 17.589 tỷ đồng, chỉ tăng 3% so với năm 2020; Trong khi đó, Agribank dù chưa công bố báo cáo tài chính năm 2021, nhưng tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022, lãnh đạo Agribank cho biết, năm 2021 lợi nhuận đạt 14.500 tỷ đồng. Cuối cùng là BIDV đạt 13.601 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2021.
Mặc dù 4 “ông lớn” vẫn nằm trong nhóm dẫn đầu về lợi nhuận, song cũng là những nhà băng "ôm" nhiều nợ xấu. Trong đó, đáng chú ý là Vietinbank đã vượt BIDV để trở thành ngân hàng có quy mô nợ xấu lớn nhất tới 14.300 tỷ đồng nợ xấu, cao gấp 1,5 lần so với đầu năm. Kéo theo đó, tỷ lệ nợ xấu của Vietinbank đến 31/12/2021 tăng từ 0,9% lên 1,3%. Việc nợ xấu tại ngân hàng này tăng mạnh chủ yếu đến từ việc nợ nhóm 3 tăng mạnh gần 275%, từ 1.892 tỷ lên 7.096 tỷ.
Báo cáo tài chính quý IV cho thấy, nợ xấu nội bảng của BIDV vào cuối năm 2021 đã giảm hơn 8.125 tỷ đồng so với đầu năm, tương đương giảm 38% xuống còn 13.245 tỷ đồng, nhưng BIDV vẫn là nhà băng có nợ xấu cao thứ 3 hệ thống tính đến 31/12/2021. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng của BIDV cũng vì thế giảm từ 1,8% xuống chỉ còn 1%.
Nợ xấu của BIDV giảm mạnh chủ yếu là do nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) của nhà băng này giảm mạnh trong gần 1 năm qua. Cụ thể, nợ có khả năng mất vốn giảm gần 9.546 tỷ, xuống mức 6.979 tỷ; nợ nghi ngờ tăng 989 tỷ lên 3.451 tỷ; nợ dưới tiêu chuẩn tăng 18%, ở mức 2.814 tỷ.
Riêng quý IV, nợ có khả năng mất vốn của BIDV giảm hơn 6.900 tỷ, nợ nghi ngờ tăng 303 tỷ và nợ dưới tiêu chuẩn giảm 1.590 tỷ.
Tại Vietcombank, nợ xấu tăng từ 5.230 tỷ đồng lên 6.121 tỷ đồng, trong đó tăng mạnh nhất là nợ nhóm 4, tăng gần 333%. Nợ xấu nhóm 3 và nợ xấu nhóm 5 tăng nhẹ hơn, lần lượt 11,2% và 1,7%.
Riêng Agribank vẫn chưa có báo cáo tài chính nên VnBusiness chưa thống kê được con số nợ xấu tính đến cuối năm 2021. Tuy nhiên, tính đến giữa năm 2021, tỷ lệ nợ xấu của Agribank là 1,9%, đảm bảo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Mặc dù nợ xấu tuyệt đối lớn, song điểm đáng mừng là tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Agribank đã tăng mạnh lên 130% so với mức xấp xỉ 100% cùng kỳ năm ngoái. Thêm vào đó, nợ xấu nhóm 5 (nợ mất vốn) của ngân hàng giảm khá mạnh (giảm 13%) so với cuối năm 2020.
Như vậy, nhờ có sự giảm mạnh về nợ xấu của BIDV, khối nợ xấu 3 "ông lớn" ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, Vietinbank và BIDV đang nắm trong tay chỉ còn khoảng 33.700 tỷ đồng.
Xử lý nợ xấu bằng cách nào?
Nói về nợ xấu, trong báo cáo tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với Ngân hàng Nhà nước trong ngày đầu Xuân Nhâm Dần 8/2/2022, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng đang đối diện với thách thức do nguy cơ nợ xấu tăng cao bởi ảnh hưởng của dịch bệnh; doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu, mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn dẫn đến khó đảm bảo thực hiện được mục tiêu duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 3%.
Ngân hàng Nhà nước đã nhận diện rất rõ vấn đề này và xác định đó là thách thức rất lớn phải đối mặt trong năm nay, thậm chí cả những năm sau đó. Vì vậy về lâu dài, muốn kiểm soát được nợ xấu, giảm được nợ xấu thì phải giúp cho doanh nghiệp thoát ra khỏi khó khăn, sớm phục hồi trở lại hoạt động bình thường.
Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ trước mắt là hết sức cần thiết nhằm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và người dân nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro nợ xấu gia tăng và rủi ro kỳ hạn thanh khoản trong trung hạn.
Về giải pháp xử lý nợ xấu, ông Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã và đang xác định quy mô, mức độ nợ xấu có thể diễn ra trong năm 2022 và những năm tới để có những giải pháp ứng xử một cách thích hợp trên cơ sở vừa ngăn chặn, vừa kiểm soát không để nợ xấu tăng thêm. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cũng kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội gia hạn thời gian áp dụng Nghị quyết 42 để tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2021-2025, song song với việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng một luật về xử lý nợ xấu của nền kinh tế.
Còn theo TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển kinh doanh, có thể năm 2022, Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm dần việc giãn, hoãn và cho phép các ngân hàng thương mại tăng trích lập dự phòng rủi ro và điều này về trung và dài hạn sẽ rất tốt cho các ngân hàng thương mại, tránh cho việc nợ xấu tích tụ quá lớn, trở thành gánh nặng tài chính cho cả hệ thống.
Nếu như có chính sách "rút củi đáy nồi" như vậy, có thể trước mắt sẽ làm cho lợi nhuận ngân hàng giảm xuống nhưng về lâu về dài cũng tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại có được bảng cân đối tài sản thực chất và có thể tạo điều kiện xử lý các khoản nợ xấu trong 2 năm vừa qua.
Huyền Anh