Thống kê của VnBusiness, ngay đầu tháng 1 đến nay, hàng loạt ngân hàng đã tăng lãi suất huy động. Ví dụ, Techcobank tăng lãi suất tiền gửi 0,2 - 0,5%/năm kể từ ngày 7/2. Theo đó, lãi suất tiết kiệm cao nhất tại Techcombank là 5,8%/năm với kỳ hạn 36 tháng; tiếp đến là mức 5,2%/năm với kỳ hạn 12 tháng.
Đối với VietinBank, khách hàng gửi tiết kiệm online cũng được cộng thêm 0,3 - 0,4%/năm so với gửi tại quầy và mức lãi suất áp dụng đầu xuân năm mới Nhâm Dần cũng cao hơn so với cùng kỳ năm trước 0,2 - 0,4%/năm tùy theo kỳ hạn gửi.
Khách hàng nhận được lãi suất cao nhất lên tới 12,4%/năm với kỳ hạn 12 tháng khi gửi tiết kiệm Prime Savings trên ngân hàng số VPBank Neo. |
Còn tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), khách hàng nhận được lãi suất cao nhất lên tới 12,4%/năm với kỳ hạn 12 tháng khi gửi tiết kiệm Prime Savings trên ngân hàng số VPBank Neo. Đây là mức lãi suất cao kỷ lục tại VPBank và các ngân hàng khác tại thời điểm này.
Đánh giá nguyên nhân lãi suất huy động tăng nhẹ trở lại, theo các chuyên gia, là do lạm phát đang có xu hướng nhích lên. Các ngân hàng cần nâng lãi suất huy động để duy trì mặt bằng lãi suất thực dương. Bên cạnh đó, nhu cầu tín dụng cũng tăng cao khi hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi và phát triển trong bối cảnh bình thường mới.
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), lãi suất tiết kiệm có dấu hiệu bật tăng cục bộ tại một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, nhưng ổn định và không biến động tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước. Đối với lãi suất cho vay, mục tiêu phấn đấu giảm lãi suất, đồng thời hướng dòng vốn vào sản xuất tiếp tục được duy trì.
Trên thị trường thế giới, quá trình trung hòa chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ được diễn ra. Tuy nhiên, quá trình cần được tiến hành chậm rãi khi sự hồi phục kinh tế sau dịch ở nhiều quốc gia vẫn còn khá mong manh.
VCBS vẫn luôn nhận thấy thông điệp nhất quán từ Ngân hàng Nhà nước là sử dụng tối đa nguồn lực để hỗ trợ cho doanh nghiệp hồi phục sau đại dịch. Theo đó, các ngân hàng thương mại vẫn đang đồng hành cùng doanh nghiệp khi tuyên bố các chương trình giảm lãi suất.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng mặt bằng lãi suất thấp, đặc biệt là lãi suất cho vay vẫn được duy trì trong thời gian tới, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch. Mặt bằng lãi suất tiết kiệm nhiều khả năng vẫn chưa tăng trên quy mô toàn hệ thống khi các mức tăng mang tính chất cục bộ.
Dự báo về lãi suất trong thời gian tới, chuyên gia SSI nhận định: “Để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, chúng tôi ước tính Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì quan điểm chính sách tiền tệ phù hợp trong năm 2022, với lãi suất có thể sẽ biến động trong biên độ hẹp nếu không có áp lực lạm phát bất ngờ (CPI năm 2022 là 4%).
Do lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng dưới 4% và lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng dao động trong khoảng 4,4% -5,0% tại ngân hàng thương mại nhà nước (4,5% - 5,2% tại ngân hàng thương mại cổ phần), chúng tôi ước tính lãi suất huy động sẽ tăng khoảng 20-25 điểm phần trăm trong năm 2022 tại các ngân hàng lớn. Mức độ tăng lãi suất sẽ cao hơn tại các ngân hàng vốn có bảng cân đối kế toán kém lành mạnh hơn và tệp khách hàng gửi tiền yếu hơn nhiều".
Về xu hướng lãi suất huy động của năm 2022, trao đổi với báo chí hồi cuối tháng 12/2021, ông Phạm Chí Quang, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), cho biết lãi suất huy động sẽ ổn định. Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành đảm bảo hài hòa quyền lợi của người gửi tiền và thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Thanh Hoa