Từ số liệu nêu trên, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, bước sang năm 2022, trên cơ sở bám sát Nghị quyết 01 của Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành ngân hàng đã chủ động, tích cực triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm ngay từ đầu năm.
Tín dụng tháng 1/2022 tăng mạnh nhất trong 10 năm qua lên mức 2,74%. |
Cụ thể, ngay từ đầu năm Thống đốc NHNN đã ban hành chỉ thị về các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2022, với định hướng tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
NHNN cho biết sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý, đảm bảo an toàn vốn vay và tuân thủ quy định pháp luật, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp…
Nhờ việc tập trung điều tiết tiền tệ hợp lý, hỗ trợ thanh khoản hệ thống, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế những ngày giáp Tết. Khi dòng vốn được khai thông giúp khả năng phục hồi của doanh nghiệp sau dịch khá tích cực.
Về vấn đề này, theo nhận định tại báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2022, Cục Thống kê TP.HCM cho rằng, sự điều hành linh hoạt của NHNN với nhiều lần điều chỉnh mặt bằng lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng đã giúp doanh nghiệp, cá nhân tháo gỡ khó khăn do đại dịch Covid-19, đảm bảo cung ứng đầy đủ vốn để tăng tốc phục hồi sản xuất kinh doanh.
Trong năm 2022, các chuyên gia của SSI Research kỳ vọng, tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 14% và mặt bằng lãi suất sẽ chạm đáy vào năm 2022. Triển vọng tăng lãi suất phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của nền kinh tế. Theo kịch bản cơ sở, SSI Research dự báo, lãi suất huy động sẽ tăng 20 - 25 điểm cơ bản trong nửa cuối năm 2022.
NHNN cho biết, trên cơ sở thực tế điều hành năm 2021, để đảm bảo vốn phục cho nền kinh tế, năm 2022 NHNN định hướng mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14% để vừa đảm bảo các ngân hàng có dư địa tái cơ cấu nợ cho doanh nghiệp đang gặp khó khăn bởi dịch bệnh, vừa tiếp tục cho vay mới ra nền kinh tế. Song, NHNN lưu ý, thực tế tín dụng năm 2022 có thể ở mức cao hơn hoặc thấp hơn tuỳ theo mục tiêu yêu cầu kiểm soát lạm phát và nhu cầu phát triển của nền kinh tế.
Dự báo về tín dụng năm 2022, giới chuyên môn kỳ vọng kịch bản tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức 14% - tương đồng với mục tiêu mà NHNN đặt ra. Chuyên gia của Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận xét, định hướng hỗ trợ chính sách tiền tệ của NHNN vẫn được duy trì trong năm 2022. Tuy nhiên, điều kiện khách quan không thuận lợi khi áp lực lạm phát là hiện hữu, với kịch bản cơ sở lạm phát ở mức 3,8%. Do vậy, nhiều khả năng NHNN vẫn sẽ giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, không có thay đổi trong kịch bản cơ sở và tăng trưởng tín dụng mục tiêu đạt 14%, tương đương mức tăng trong năm 2021.
Đánh giá về tăng trưởng tín dụng trong năm 2022, lãnh đạo một ngân hàng cho rằng tín dụng tăng trưởng ngay trong quý đầu năm một phần do hoạt động sản xuất, kinh doanh dần hồi phục sau thời gian dài giãn cách. Nhiều chuỗi sản xuất đang dần được nối lại, nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh hoạt động, nên cầu vốn sẽ tăng.
“Khi cầu vốn tăng nhanh trở lại cùng với việc triển khai gói kích thích kinh tế, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành Ngân hàng ở mức 14% hoàn toàn có thể đạt được, thậm chí có thể cao hơn”, vị này nhận định.
Thanh Hoa