Tại Hội nghị giữa Thủ tướng với doanh nghiệp có chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững", được tổ chức ngày 11/8, cộng đồng doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực như: du lịch, bất động sản, xây dựng… kiến nghị một loạt giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn để doanh nghiệp sớm phục hồi.
Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, tín dụng đang siết lại từ đầu tháng 8 vừa qua, trong khi lạm phát tăng cao khiến người dân các nước giảm tiêu dùng, nhiều nhà nhập khẩu cho biết không nhận đơn hàng từ nay đến tháng 10.
Tình trạng này sẽ dẫn đến tồn kho hàng hoá, hệ luỵ là doanh nghiệp không có tiền để trả ngay cho ngân hàng. "Trong 1 tuần qua nhiều doanh nghiệp nhận được thông báo của ngân hàng từ chối cho vay khoản vay mới, dẫn đến không thu mua được cá, tôm của nông dân", ông Nam cho hay.
Doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề thừa nhận đang gặp khó vì giảm thanh khoản, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng. |
Sức ép về tài chính cũng đang là rào cản lớn trong giai đoạn phục hồi của các doanh nghiệp du lịch. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel cho biết, Vietravel có đặc thù vừa là doanh nghiệp du lịch vừa là doanh nghiệp lữ hành, kinh doanh về vận chuyển hàng không nên sức ép tài chính rất lớn. Như vậy vừa phải trả nợ cũ đến hạn, vừa phải chuẩn bị vốn đầu tư mới cho tái cấu trúc doanh nghiệp và xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ, vừa phải trả tiền ngay khi đặt dịch vụ để phục vụ khách. Mặc dù có những hỗ trợ của Chính phủ với người lao động nhưng quy mô rất nhỏ, không có tác động lớn đến sự thay đổi để phục hồi ngành du lịch.
Trong khi đó, các gói giãn và giảm về tài chính tác dụng quá ngắn, chủ yếu trong giai đoạn dịch, thị trường chưa trở lại nên tác dụng không nhiều. Còn gói hỗ trợ 2% đến thời điểm này hầu như các doanh nghiệp du lịch không tiếp cận được, nhiều rào cản.
"Nguyên nhân do các ngân hàng đều yêu cầu muốn vay mới phải trả nợ cũ để bảo đảm an toàn và phải có tài sản thế chấp, nhưng tài sản trong 2 năm dịch đều thế chấp hết rồi. Doanh nghiệp lữ hành chủ yếu nhờ vào nhân lực, tri thức, thương hiệu, các yếu tố này không thế chấp được", ông Nam cho hay.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc tiếp cận tín dụng, huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh vẫn là một trong những khó khăn lớn của doanh nghiệp.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý nhưng bảo đảm tăng cường giám sát, không buông lỏng thị trường nhà đất, làm thế nào để tiếp cận được tín dụng một cách thuận lợi hơn.
Ngân hàng áp lực từ nhiều phía
Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, ngành ngân hàng có một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vốn vay, giữ nguyên nợ.
“Tính toán của các đơn vị chức năng cho đến nay là tổng khoảng 50.000 tỷ đồng. Nguồn này chính là nguồn lực tài chính của hệ thống ngân hàng”, bà Hồng cho hay.
Tuy nhiên, bà Hồng chia sẻ, hiện nay ngành ngân hàng cũng đứng trước nhiều áp lực. Ví dụ đối với lãi suất, doanh nghiệp muốn giảm, nhưng người gửi tiền trong bối cảnh lạm phát tăng cao cũng cần có mức lãi suất phù hợp.
Trong tổng hợp báo cáo của các đơn vị gửi ngân hàng, có doanh nghiệp xuất khẩu đề nghị phá giá đồng Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhập khẩu lại phản ánh nếu đồng Việt Nam phá giá thì làm cho các doanh nghiệp nhập khẩu bị nhỡ. Hay như doanh nghiệp bất động sản muốn tháo gỡ tín dụng cho thị trường, nhưng nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vẫn muốn tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. “Đây là áp lực lớn đối với NHNN và đặc biệt là với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô”, bà Hồng nói.
Từ góc độ như vậy, NHNN điều hành chính sách tiền tệ làm sao để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định được thị trường tiền tệ ngoại hối, bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng. "Chúng ta đã trải qua giai đoạn lạm phát tăng cao, tỉ giá biến động mạnh, cuộc đua lãi suất, hệ thống tổ chức tín dụng đối mặt với khó khăn về thanh khoản chi trả cho người gửi tiền. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa quên giai đoạn đó. Vì vậy, sự ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối là điều quan trọng, tạo lập sự ổn định vĩ mô để phục hồi nhanh và phát triển bền vững", bà Hồng cho hay.
Trong bối cảnh đó, ngành ngân hàng vẫn phải triển khai những công việc còn tồn đọng, khó khăn trước như tái cơ cấu các ngân hàng 0 đồng…
Về kiến nghị nới room tín dụng cho các ngân hàng để triển khai gói lãi suất 2%, người đứng đầu NHNN cho biết, thời gian tới NHNN sẽ rà soát, điều chỉnh nốt phần tăng trưởng tín dụng của dữ liệu 14% còn lại.
Đối với thị trường bất động sản, Thống đốc nói, nguồn vốn của bất động sản giải quyết được rất nhiều "kênh" từ FDI, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và tín dụng chỉ là 1 kênh. Với ý kiến của Hiệp hội bất động sản về việc kiều hối cũng là nguồn đầu tư bất động sản nhưng trong bối cảnh tỉ giá USD mạnh lên, lãi suất quốc tế tăng lên trong khi chúng ta yêu cầu trong nước phải ổn định lãi suất thì dòng kiều hối sẽ hạn chế vào, thậm chí còn chuyển ra. Như vậy đặt áp lực cho NHNN về điều hành tỉ giá. Câu chuyện đó là bài toán tổng thể, chính sách tiền tệ là một trong những chính sách về kinh tế vĩ mô đó.
Huyền Anh