Nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp đang tăng cao nhằm phục vụ sản xuất kinh doanh kịp về đích trong 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, dù cầu đang có nhưng cung thì chưa đủ, hiện rất nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn do ngân hàng hết hạn mức tín dụng (room). Vay ngân hàng không dễ dàng, trong khi chi phí đầu vào sản xuất đã tăng cao 30 - 50% đè nặng lên doanh nghiệp giai đoạn phục hồi.
Cầu nhiều, nhưng cung thiếu
Qua tìm hiểu của VnBusiness, nhiều doanh nghiệp du lịch phản ánh hiện nay rất khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. “Sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nguồn vốn đã giảm nhiều rồi, khi hoạt động trở lại, doanh nghiệp cần phải đầu tư về thương hiệu, đội ngũ. Nhưng hiện tại doanh nghiệp vẫn không thể tiếp cận được với nguồn vay ngân hàng”, bà Tô Linh Đa, Giám đốc phát triển công ty Image travel và Events cho hay.
Khó vay vốn ngân hàng cũng là tình trạng chung của các doanh nghiệp bất động sản. Ông Phan Khắc Mạnh Vũ, Giám đốc công ty CP Đầu tư Central Land cho biết: “Khi doanh nghiệp hỏi vay vốn ngân hàng đều trả lời có hỗ trợ cho vay, tuy nhiên, khi ngân hàng đi sâu vào xác minh tài chính và ra thông báo cho vay thì ngân hàng trả lời hết room tín dụng”.
Doanh nghiệp mong chờ ngân hàng được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng để có cơ hội vay vốn. |
Tuy nhiên, trong báo cáo tổng quan về tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm và định hướng nửa cuối năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng việc từ chối cho vay đối với khách hàng không hẳn là do ngân hàng hết room mà còn có thể do phải đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoặc một số ngân hàng xếp hạng thấp không được tăng trưởng tín dụng cao...
"Với bản chất hoạt động ngân hàng chủ yếu tập trung cho vay ngắn hạn, cho vay bổ sung vốn lưu động thì thường xuyên có nguồn thu nợ, cho vay. Tuy nhiên, một số tổ chức tín dụng chủ yếu cho vay trung dài hạn, tập trung vào lĩnh vực bất động sản thì thời gian quay vòng vốn chậm, không thu hồi được nợ nhanh, nên dẫn đến hết dư địa tăng trưởng tín dụng", NHNN nhấn mạnh.
Theo quan sát từ cuối tháng 5, các ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB… đã liên tục đề xuất được nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Nguyên nhân chủ yếu là các ngân hàng đã tăng trưởng gần chạm trần tín dụng cho phép, trong khi nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp vẫn rất cao.
Báo cáo tài chính quý II của hàng loạt ngân hàng đã ghi nhận tăng trưởng cho vay ở mức cao, thậm chí vượt cả trần tăng trưởng tín dụng được giao từ đầu năm.
"Nếu nới “room” theo nhu cầu của các ngân hàng, lượng tiền đổ vào nền kinh tế sẽ rất lớn, từ đó tạo áp lực lên lạm phát. Bên cạnh đó, việc nới hạn mức tín dụng cho các ngân hàng có thể dẫn đến một cuộc đua tăng lãi suất huy động, từ đó gây ra phản ứng dây chuyền là lãi suất huy động tăng, dẫn tới lãi suất cho vay tăng, rồi dẫn tới nợ xấu tăng".
Ông Phạm Chí Quang, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ chính sách tiền tệ (NHNN)
Điển hình tại MB ghi nhận tăng trưởng cho vay đạt 14,25%, xấp xỉ mức trần tín dụng 15% được cấp; ACB tăng hơn 9,8%, trong khi mức được cấp cả năm là 10%; Techcombank tăng 13,9% trên tổng số 15% được cấp; Agribank và Sacombank cùng được cấp 7%, nhưng sau nửa năm đã dùng hết lần lượt 5,86% và 7%...
Nới room vẫn đang được cân nhắc thận trọng
Chia sẻ thêm về việc một số tổ chức tín dụng phản ánh hết room, NHNN cho biết chủ yếu là do các tổ chức tín dụng tăng tín dụng quá nhanh trong 6 tháng đầu năm.
Số liệu từ NHNN cho thấy tăng trưởng tín dụng đạt 9,4% tính đến cuối tháng 7, không có nhiều thay đổi so với dữ liệu vào cuối tháng 6 (9,3%). Điều này cho thấy, các ngân hàng đã cạn room nên không thể đẩy vốn ra thị trường.
Trong bối cảnh đó, NHNN vẫn đang phát tín hiệu khá thận trọng trong hạn mức tăng trưởng tín dụng năm nay và việc nới hạn mức sẽ diễn ra chọn lọc giữa các ngân hàng với mức độ sẽ không quá cao.
Thực tế, tính đến đầu tháng 8, NHNN vẫn chưa nới room cho bất kỳ nhà băng nào. Một số nhân viên ngân hàng cũng thừa nhận, bản thân ngân hàng cũng mòn mỏi chờ cấp thêm room. Nhiều khách hàng rất cần giải ngân nhưng phải xếp "lốt" chờ, khi có khách trả nợ thì dư nợ cho vay giảm, sẽ nới được thêm.
Trong lúc chờ room, nhiều ngân hàng phải chọn lọc kỹ càng khách hàng cho vay. Theo lãnh đạo một ngân hàng, do hạn mức tín dụng hơi “căng” nên việc thẩm định hồ sơ khách hàng cũng chặt chẽ hơn. Thậm chí, để hạn chế hồ sơ vay vốn, một số ngân hàng áp dụng tăng lãi suất cho vay từ 0,5 - 1 điểm %/năm so với trước.
Các chuyên gia cho rằng, với các ngân hàng đã gần cạn room tín dụng sau nửa năm, nếu không được nới, nhiều ngân hàng sẽ không thể hoàn thành kế hoạch cho vay hỗ trợ lãi suất 2%. Tuy nhiên, nếu hoàn thành, tăng trưởng tín dụng cả năm nay dự báo vượt 14%.
Các chuyên gia công ty chứng khoán SSI Research dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 ước đạt 15-16% và mức tăng trưởng này là tăng trưởng danh nghĩa, tuy có thể cao hơn trung bình các năm trước, nhưng hoàn toàn có thể chấp nhận được trong bối cảnh lạm phát ở mức cao, nên mức vay vốn lưu động của các doanh nghiệp thường sẽ tăng cao.
Huyền Anh