2 tháng đầu năm, các tổ chức kinh tế đã rút hơn 190.000 tỷ đồng tại các ngân hàng (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa cập nhật số liệu cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2020, tổng phương tiện thanh toán toàn hệ thống tăng 0.94% so với cuối năm 2019, ghi nhận hơn 10.67 triệu tỷ đồng.
Cụ thể, tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm 4.84% so với cuối năm 2019, còn hơn 3.77 triệu tỷ đồng, tương đương rút ròng hơn 190.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiền gửi của dân cư lại tăng 3.91%, lên mức hơn 5 triệu tỷ đồng.
Đáng lưu ý, tỷ trọng tiền mặt lưu thông/tổng phương tiện thanh toán tính trong tháng 2 giảm mạnh so với tháng 1. Cụ thể tháng 1 đạt 13.27%, trong khi đó tháng 2 ghi nhận 12.03%.
Tính đến cuối tháng 2/2020, tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng 0.17% so với cuối năm 2019, dư nợ đạt hơn 8.2 triệu tỷ đồng. Trong đó, tăng trưởng tín dụng mạnh nhất là ở nhóm ngành Vận tải và Viễn thông (+3.38%) với dư nợ hơn 229 nghìn tỷ đồng, ngành Xây dựng (+1.2%) với dư nợ hơn 810 nghìn tỷ đồng.
Ngược lại, ngành Thương mại (-0.9%) và Nông, lâm, ngư nghiệp (-0.09%) lại ghi nhận tăng trưởng âm.
Theo đánh giá của các chuyên gia tiền gửi giảm trong 1-2 tháng đầu năm là chuyện không hiếm do trùng vào dịp lễ Tết Nguyên đán, doanh nghiệp phải rút tiền ra để trả lương thưởng cuối năm cho nhân viên. Tuy nhiên, mức sụt giảm năm nay khá mạnh bởi cộng hưởng thêm yếu tố dịch bệnh Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam vào đầu năm đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Từ tháng 2, một số doanh nghiệp đã phải tạm dừng sản xuất, hoặc sản xuất cầm chừng vì thiếu nguyên liệu đầu vào và đầu ra cũng bị ảnh hưởng do nhiều nước đóng cửa biên giới để phòng chống dịch. Để trả tiền kho bãi, chi phí văn phòng và trả lương nhân viên, doanh nghiệp phải rút tiền gửi ngân hàng.
Tuy nhiên, sang tháng 3, huy động tiền gửi và tăng trưởng tín dụng bắt đầu quay trở lại. Số liệu do Tổng cục Thống kê công bố, tính đến thời điểm 20/3/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,55% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm trước tăng 2,54%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,51% (cùng kỳ năm 2019 tăng 1,72%); tín dụng của nền kinh tế tăng 0,68% (cùng kỳ năm trước tăng 1,9%).
Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ngày 16/3/2020, NHNN đã quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, trong đó lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6,0%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm.
Theo đó, các ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay từ 0,5%-2%, cùng với đó là tung ra nhiều gói tín dụng hỗ trợ khách hàng. Do đó, tín dụng trong tháng 3 đã tăng cao hơn so với 2 tháng đầu năm.
Trong báo cáo gửi Chính phủ mới đây, NHNN cho biết, theo đánh giá sơ bộ, dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã lên tới 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng.
Trong đó, ngành kinh doanh khoáng sản, nhiên liệu, nguyên vật liệu xây dựng, kinh doanh ô tô và phụ tùng là nhóm có nhiều dư nợ bị ảnh hưởng nhất với 548.000 tỷ đồng, chiếm 6,6% tổng dư nợ.
Nhóm công nghiệp chế biến-chế tạo với dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 520.000 tỷ đồng, chiếm 6,3% tổng dư nợ, trong đó ngành chế biến thực phẩm, đồ uống bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Nhóm dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ có 169.000 dư nợ bị ảnh hưởng chiếm 2% tổng dư nợ. Nhóm nông lâm nghiệp và thủy sản có số dư nợ bị ảnh hưởng là 157.000 tỷ đồng, chiếm 1,9% dư nợ nền kinh tế tập trung vào các ngành hàng rau quả, thủy sản, cao su, cà phê, chè, hạt tiêu.
Nhóm kinh doanh bất động sản có 145.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng, chiếm 1,75%; Nhóm vận tải có 139.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng, chiếm 1,68%; Nhóm các dự án BOT, BT có 110.000 tỷ đồng bị ảnh hưởng, chiếm 1,35% tổng dư nợ...
Thanh Hoa