Phát biểu tại một buổi tọa đàm về trái phiếu doanh nghiệp ngày 16/8, ông Trần Anh Thế, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho hay, tổng mức đầu tư của Đèo Cả vào các dự án giao thông hiện trên 60.000 tỷ đồng. Nhu cầu vốn thời gian tới là rất lớn, buộc công ty phải tính tới kênh huy động vốn bằng trái phiếu, song việc huy động vốn qua kênh này đang gặp nhiều vướng mắc.
Huy động vốn khủng
Đèo Cả đang đưa ra chiến lược phát hành trái phiếu doanh nghiệp, dự kiến triển khai từ tháng 9-10/2021 để huy động vốn cho các dự án giao thông vừa mới trúng thầu như: Dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, một dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam với tổng mức đầu tư 9.000 tỷ đồng; Dự án Hữu Nghị - Chi Lăng khoảng 7.500 tỷ đồng; Dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh 12.000 tỷ đồng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, tất cả trái phiếu mà ngân hàng mua từ các doanh nghiệp phải được cộng vào dư nợ doanh nghiệp đó nợ ngân hàng. |
Trước đó, lãnh đạo Đèo Cả cho hay, mức lãi suất phát hành trái phiếu dự kiến khoảng 12%/năm sẽ được chi trả cho các tổ chức, cá nhân mua trái phiếu theo từng tháng hoặc từng quý.
"Mức lãi suất trái phiếu dự kiến phát hành sẽ cao hơn mức lãi suất trong phương án tài chính dự án khoảng 1,5%/năm. Nhằm đảm bảo tính khả thi khi huy động vốn từ phát hành trái phiếu, nhà đầu tư sẽ điều chỉnh giảm tỷ suất lợi nhuận tại dự án và lấy một phần lợi nhuận từ các hoạt động sản xuất kinh doanh khác để bù đắp cho phần lãi suất chênh lệch”, ông Thế nói.
Theo quy định về cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, doanh nghiệp dự án PPP chỉ được phát hành trái phiếu không chuyển đổi riêng lẻ. Ông Thế cho rằng, quy định này đã bó hẹp doanh nghiệp.
“Chúng tôi kiến nghị là nên cho phép các doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng, thậm chí phát hành trái phiếu quốc tế, vì lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông đòi hỏi nguồn vốn vô cùng lớn, phù hợp với việc phát hành trái phiếu quốc tế”, ông Thế đề xuất.
Bên cạnh đó, chính sách giới hạn trần tín dụng với một khách hàng hiện nay cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp trong huy động vốn. Chính vì vậy, ông Thế đề nghị, các tổ chức tín dụng không tính dư nợ trái phiếu doanh nghiệp vào tổng dư nợ tín dụng với doanh nghiệp.
“Trường hợp tôi đề xuất với trái phiếu chuyển đổi, có thể sau giai đoạn 3-5 năm khi trái phiếu hết thời hạn thì chúng có thể chuyển đổi thành cổ phần, biến thành phần vốn góp của nhà đầu tư vào doanh nghiệp hay dự án. Tức là khi đó nhà phát hành không có nghĩa vụ phải trả dư nợ”, ông Thế cho hay.
Ngoài ra, lãnh đạo Đèo Cả kiến nghị, cần có quỹ đầu tư hạ tầng quốc gia để tháo gỡ bài toán vốn cho doanh nghiệp, tạo vốn mồi, giúp nhà đầu tư cá nhân yên tâm hơn khi đầu tư vào trái phiếu của doanh nghiệp hạ tầng.
Ngân hàng lo đầu tư trái ngành
Liên quan đến đề xuất của Đèo Cả về việc ngân hàng không tính dư nợ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp vào tổng dư nợ tín dụng của doanh nghiệp, một số ý kiến cho rằng khó khả thi. Bởi tất cả những công cụ nợ hoặc có mang tính chất nợ thì nó là tín dụng.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cho rằng: “Nếu các quỹ mua trái phiếu doanh nghiệp thì không gặp vấn đề gì, vì các tổ chức này không bị giới hạn trần tín dụng. Tuy nhiên, nếu ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp thì cũng chính là cho doanh nghiệp vay, chỉ là khác nhau về hình thức. Trong hoạt động, các ngân hàng luôn phải tính trọng số rủi ro, hệ số an toàn vốn, nếu không tính đầu tư trái phiếu doanh nghiệp vào tín dụng thì tính ở đâu trên bảng cân đối tài sản? Điều này rất khó”, TS. Lực khẳng định.
Trường hợp đó là trái phiếu chuyển đổi do quỹ đầu tư, công ty chứng khoán mua thì hạn mức tín dụng không phải là vấn đề. Nhưng với ngân hàng thương mại, nếu như đầu tư trái phiếu chuyển đổi, rồi sau này trái phiếu đó chuyển thành cổ phiếu thì không ổn. Như vậy sẽ trở thành vấn đề ngân hàng đầu tư trái ngành. Là đi ngược với xu hướng thoái vốn ngoài ngành, thoái vốn ra khỏi các lĩnh vực kinh doanh không liên quan tới ngân hàng.
Đồng tình, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, tất cả trái phiếu mà ngân hàng mua từ các doanh nghiệp phải được cộng vào dư nợ doanh nghiệp đó nợ ngân hàng. Nghĩa là một doanh nghiệp có bao nhiêu nợ vay với ngân hàng và cả số trái phiếu bán cho ngân hàng đều nằm trong quy định để kiểm soát dư nợ của một doanh nghiệp với ngân hàng.
Dù đánh giá đề xuất khó khả thi, song ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinRatings cho rằng, thực tế rất nhiều đơn vị khác đang có trần tín dụng ở mức rất cao do phát hành trái phiếu. Vì vậy, nhiều tổ chức tín dụng cũng hạn chế việc cho vay, do đó, ý kiến của Đèo Cả cũng có thể là một lối ra.
Đưa ra giải pháp, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, hiện ngành ngân hàng cũng đã bàn về việc sửa đổi luật tổ chức tín dụng trong 1-2 năm tới. “Cũng đã 10 năm kể từ 2011, nhiều vướng mắc đã xuất hiện, “cái áo” đã quá chật, nên chúng tôi đã đề nghị với Ngân hàng Nhà nước về việc sửa đổi, kiến nghị cân nhắc tách ra thành 2 mô hình ngân hàng: thương mại và đầu tư. Nếu được sửa đổi, thì kiến nghị của Đèo Cả sẽ được ngân hàng đầu tư xử lý, nhưng các sửa đổi này vẫn đang được tranh luận vô cùng quyết liệt”, ông Lực cho hay.
Huyền Anh