Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đạt 192.203 tỷ đồng. Trong đó, TPDN phát hành riêng lẻ đạt 176.828 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020; khối lượng phát hành TPDN ra công chúng là 15.375 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, thị trường có sự dịch chuyển từ phát hành riêng lẻ sang phát hành ra công chúng sau khi có các văn bản pháp luật mới được ban hành để hoàn thiện hơn khung pháp lý cho thị trường trái phiếu.
Đánh giá thị trường trái phiếu hai quý cuối năm, các chuyên gia cho rằng, sang quý III/2021, nhu cầu TPDN vẫn cao với lãi suất khó giảm. Hiện lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn dài trên 12 tháng theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là 5,6 - 6,7%/năm.
Trong khi đó, lãi suất phát hành bình quân 6 tháng đầu năm 2021 là 7,9%/năm, giảm 1,6%/năm so với mức 9,5% cùng kỳ năm 2020. Nếu trừ trái phiếu ngân hàng, trong quý II lãi suất bình quân TPDN là 9,95%/năm, giảm 0,33 điểm % so với quý đầu năm.
Nhiều người rút tiền mua trái phiếu doanh nghiệp thay vì gửi ngân hàng. (Ảnh minh hoạ: Int). |
Dù lãi suất phát hành TPDN nằm trong xu hướng giảm từ quý II/2020 đến nay nhưng ở mức rất nhỏ so với đà giảm sâu của lãi suất tiền gửi. Theo Báo cáo thị trường TPDN của Công ty Chứng khoán SSI, chênh lệch lãi suất TPDN và lãi suất tiền gửi tiếp tục duy trì ở mức cao là động lực chính giúp phân khúc này tiếp tục tăng trưởng mạnh, hấp dẫn nhà đầu tư.
Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng, thanh khoản các NHTM vẫn khá dồi dào và NHNN vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi đợt dịch Covid-19 lần 4. Do đó, lãi suất tiền gửi có thể vẫn giữ ở mức thấp và chỉ tăng nhẹ vào cuối năm 2021, lợi tức từ TPDN vẫn hấp dẫn so với kênh đầu tư tiền gửi.
Đồng thời, hạn mức tín dụng của các NHTM, dù mới được NHNN nới room, vẫn còn ở mức thấp so với cùng kỳ và thấp hơn đề xuất của các NHTM. Bên cạnh đó, việc tiếp cận vốn tín dụng giá rẻ của các NHTM không dễ đối với các doanh nghiệp không nằm trong các nhóm ngành được ưu tiên hoặc bị hạn chế về tài sản đảm bảo như các doanh nghiệp bất động sản.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, nhà đầu tư cũng phải cẩn trọng khi đầu tư trái phiếu, khi pháp luật quy định nhà đầu tư tự đánh giá rủi ro và tự chịu trách nhiệm về việc mua TPDN.
Số liệu báo cáo của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam nêu rõ: Trong lĩnh vực bất động sản - xây dựng, 26% trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phần, cổ phiếu. Lãi suất phát hành trái phiếu bất động sản chủ yếu dao động trong khoảng 9,5-11%/năm. Cá biệt, đầu năm nay Công ty cổ phần Tập đoàn VsetGroup huy động TPDN với lãi suất từ 13-17%...
Riêng lãi suất trái phiếu mà các ngân hàng phát hành thấp hơn và có sự phân hóa, dao động từ 3%-7,5%/năm.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, rủi ro của kênh đầu tư TPDN chính là nằm ở lãi suất. Lãi suất trái phiếu được phát hành càng cao thì càng rủi ro. Từ năm ngoái đến nay, mặt bằng chung của lãi suất TPDN vào khoảng 11%-12%/năm, cá biệt 16%/năm ở một vài doanh nghiệp. Mức lãi suất trả cho nhà đầu tư mua trái phiếu được quảng cáo trên 16%/năm sẽ có mức độ rủi ro rất cao. Ở thời điểm doanh nghiệp gặp tổn thương do dịch bệnh như hiện tại, nhà đầu tư càng nên cẩn trọng.
Trong Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, tình trạng doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ gia tăng trong thời gian qua, với lãi suất cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Vì vậy, ông đề nghị Chính phủ đánh giá khả năng về “bong bóng tài sản” và những rủi ro đến kinh tế vĩ mô; trong đó phân tích kỹ hơn tình trạng các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, phát hành trái phiếu riêng lẻ với lãi suất cao thời gian qua.
Thanh Hoa