Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ mới nhất, Thủ tướng đã yêu cầu trước ngày 10/4 cần thực hiện công khai mặt bằng lãi suất cho vay. Tổ chức tín dụng nào không thực hiện, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xử lý nghiêm theo thẩm quyền và công khai theo quy định của pháp luật.
Theo khảo sát của Vnbusiness, đến sáng ngày 10/4, phần lớn các ngân hàng đã công khai lãi suất cho vay bình quân và chênh lệch lãi suất bình quân.
Phần lớn các ngân hàng đã công khai lãi suất cho vay bình quân và chênh lệch lãi suất bình quân. |
Chẳng hạn Vietcombank có lãi suất cho vay bình quân là 6,4%/năm, Agribank là 7,47%/năm, VietinBank là 6,3%/năm, BIDV là 6,49%/năm.
Các nhà băng thuộc nhóm ngân hàng thương mại cổ phần cũng lần lượt công bố lãi suất cho vay bình quân. Cụ thể: TPBank là 7,76%/năm; Vietbank: 7,32%/năm; OCB: 7,79%/năm đối với cá nhân và 9,29%/năm đối với doanh nghiệp; VIB: 8,6%/năm đối với cá nhân và 7,69%/năm đối với doanh nghiệp; ACB: 9,7%/năm đối với cá nhân và 9,33%/năm đối với doanh nghiệp...
Theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng trong quý đầu tiên chỉ tăng 0,26%, sang quý II dự báo sẽ tăng tới 3,8%.
Các ngân hàng cho biết, yêu cầu phải công khai lãi suất từ Chính phủ buộc họ phải cạnh tranh nhiều hơn để giữ chân người vay.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp PVComBank nhận định: "Khách hàng có thể lựa chọn các ngân hàng có mức lãi suất bình quân thấp. Các ngân hàng cũng lấy đó làm động lực để giảm các chi phí liên quan đến hoạt động, các chi phí liên quan huy động vốn đầu vào để có được nguồn vốn đầu ra tốt nhất để hỗ trợ cho doanh nghiệp và cá nhân".
Theo các chuyên gia, thời gian qua, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm đáng kể so với thời điểm đầu năm 2023. Số liệu vừa công bố của NHNN cũng cho thấy lãi suất bình quân các khoản vay mới hiện chỉ còn 6,4%/năm, giảm thêm 0,7% so với cuối năm 2023. Đồng thời, nhiều ngân hàng đã tung ra các gói tín dụng với mức lãi suất hấp dẫn và tạo điều kiện để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với hồ sơ vay vốn.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp cũng chia sẻ họ đang được vay vốn với lãi suất thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây và trong bối cảnh nền kinh tế đang có những tín hiệu lạc quan, bước vào giai đoạn phục hồi thì đây là một sự thuận lợi để các doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ông Triệu Quang Thanh, Phó Giám đốc Công ty Chỉ may Tuấn Hồng (Hà Nội) cho biết: "Với lãi suất cho vay hiện tại là từ 4,1%/năm đối với sản xuất kinh doanh ngắn hạn và từ 5% đối với vốn trung và dài hạn là mức lãi suất thấp nhất, lý tưởng nhất trong vòng 12 năm trở lại đây, tạo nền móng cho kế hoạch kinh doanh và phát triển trong năm 2024".
Cũng theo các doanh nghiệp, trong bối cảnh nền lãi suất đang thấp như hiện nay, việc các ngân hàng đồng loạt công khai, minh bạch biểu lãi suất cho vay sẽ giúp người vay có một khung tham chiếu để lựa chọn vay vốn tại nhà băng nào cho tối ưu chi phí. Đồng thời, doanh nghiệp cũng nhận diện được lãi suất đang ở mức nào để cân bằng giá vốn trong thị trường và như thế sẽ có các quyết định tài chính phù hợp hơn.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra quan điểm: "Vốn với doanh nghiệp như là mạch máu cho cơ thể. Tôi cho rằng sự chỉ đạo mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ cũng là một lực đẩy rất quan trọng, để hệ thống của chúng ta vận hành một cách hiệu quả, để cho việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp Việt Nam ngày càng thuận lợi và bền vững hơn nữa".
Thanh Hoa