Theo Nghị quyết 30 của Quốc hội, ngành ngân hàng được giao triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% quy mô 40.000 tỷ đồng cho vay với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong 2 năm 2022 - 2023. Đây là một trong số những chính sách nhằm giúp doanh nghiệp, người dân giảm chi phí kinh doanh, khôi phục sản xuất, hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết 43 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, đến hết năm 2023, gói hỗ trợ lãi suất 2% thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mới giải ngân khoảng 1.218 tỷ đồng (tương đương 3,05% tổng quy mô chính sách).
Gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng chỉ giải ngân được 3% sau gần 2 năm triển khai. |
Số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình đạt khoảng 1.218 tỷ đồng (tương đương khoảng 3,05% tổng quy mô chính sách) cho gần 2.300 khách hàng. Như vậy, còn khoảng 38.782 tỷ đồng thuộc gói hỗ trợ không sử dụng hết.
Chính phủ cho biết đã báo cáo Quốc hội hủy dự toán và không huy động nguồn lực tiếp tục thực hiện. Việc này cũng không ảnh hưởng tới bội chi, do đây là khoản chưa huy động.
Trên thực tế, cuối năm 2023, số giải ngân tăng thêm không nhiều so với thời điểm Chính phủ báo cáo Quốc hội vào tháng 10/2023 là 873 tỷ đồng. Thời điểm đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép thực hiện tiếp gói hỗ trợ lãi suất tới hết năm 2023.
Lý giải về việc triển khai chính sách chưa đạt mục tiêu, số vốn giải ngân thấp, Chính phủ cho rằng có tâm lý e ngại thanh tra, kiểm tra, mặc dù có những doanh nghiệp đủ điều kiện.
Việc không lựa chọn vay vốn từ gói này do doanh nghiệp cân nhắc giữa lợi ích nhận hỗ trợ lãi suất và chi phí phải chi trả phát sinh nếu nhận hỗ trợ, như phải theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước.
Khách hàng cũng có tâm lý lo ngại trường hợp bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định phải thu hồi số tiền hỗ trợ lãi suất do số tiền này đã được hạch toán vào lợi nhuận doanh nghiệp và chia cổ tức cho cổ đông. Chưa kể việc xác định đối tượng khách hàng thuộc diện "có khả năng phục hồi" theo quy định tại Nghị quyết số 43 gặp khó khăn, bởi có trường hợp dù có khả năng trả nợ nhưng khó khẳng định có khả năng phục hồi.
Báo cáo nêu: Có khách hàng được hỗ trợ lãi suất nhưng tình hình sản xuất kinh doanh suy giảm, ảnh hưởng đến các tiêu chí đánh giá về phục hồi, làm ngân hàng thương mại và khách hàng e ngại bị các cơ quan thanh tra, kiểm tra cho rằng trục lợi chính sách. Trong khi, một số doanh nghiệp có doanh thu, lợi nhuận ở giai đoạn dịch bệnh cao hơn hiện tại nên khó đánh giá đáp ứng tiêu chí "phục hồi".
Chưa kể, hoạt động kinh doanh của các đối tượng ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất có nhiều chuyển biến so với thời điểm ban hành Nghị quyết số 43. Điều này dẫn đến nhu cầu được hỗ trợ có thể thay đổi so với thời điểm trước, đó là doanh nghiệp muốn được hỗ trợ trực tiếp hoặc giảm thuế, phí, lệ phí thay vì hỗ trợ lãi suất.
"Nhiều hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng thương mại nhưng không đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc nhóm hỗ trợ. Điển hình như Ngân hàng Agribank có 50% dư nợ khách hàng hộ sản xuất, kinh doanh không có đăng ký kinh doanh", báo cáo nêu.
Thanh Hoa