Gói hỗ trợ lãi suất vay 2% trị giá 40.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp thông qua các ngân hàng thương mại (hạn cuối giải ngân đến 31/12/2023) là một trong những chính sách thuộc chương trình phục hồi kinh tế xã hội. Sau gần 2 năm triển khai, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng đến nay đạt 875 tỷ đồng, tức là chỉ khoảng 2,3% tổng hạn mức hỗ trợ lãi suất.
Người trong cuộc nói gì?
Lãnh đạo một số ngân hàng phản ánh, trong quá trình rà soát hồ sơ, số lượng khách hàng thuộc đối tượng đủ điều kiện hỗ trợ tương đối lớn nhưng kết quả hỗ trợ lãi suất lại rất thấp. Thậm chí, có nhà băng ghi nhận số tiền hỗ trợ lãi suất bằng 0.
Đến nay, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng mới đạt 875 tỷ đồng, tức là chỉ khoảng 2,3% tổng hạn mức hỗ trợ lãi suất. |
Lý giải nguyên nhân vì sao “chê” gói hỗ trợ lãi suất dù được ngân hàng mời tận nơi, đại diện Công ty TNHH MTV Đức Toàn (Đắk Nông) cho biết, việc tiếp cận gói lãi suất ưu đãi đòi hỏi thủ tục phức tạp, như báo cáo tài chính, hợp đồng kinh tế, hóa đơn đặt hàng, phiếu nhập - xuất kho, hóa đơn chuyển tiền… không phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Hầu hết doanh nghiệp nhỏ là doanh nghiệp gia đình, cơ cấu gọn nhẹ, không qua máy móc theo dõi hàng tháng, hoặc không có hóa đơn, người dân vùng nông thôn vẫn có thói quen thanh toán tiền mặt. Muốn có báo cáo, hợp đồng, hóa đơn chuẩn chỉnh… thì sẽ phát sinh chi phí thuê kế toán, làm giảm thu nhập doanh nghiệp”, vị đại diện này giãi bày.
Ngoài những khó khăn về đáp ứng điều kiện thì việc phải tuân thủ các yêu cầu về thanh kiểm tra chống trục lợi chính sách sau khi vay cũng khiến doanh nghiệp e ngại. Bà Huỳnh Thị Ngọc Trâm, Giám đốc Công ty TNHH JFT Việt Nam (Lâm Đồng) cho hay nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp không muốn vay gói hỗ trợ lãi suất là sợ thủ tục, đặc biệt là sợ rủi ro pháp lý, sợ bị thanh kiểm tra.
Một doanh nghiệp khác tại Hà Nội cũng chia sẻ, điều doanh nghiệp lo ngại nhất khi tiếp cận các gói hỗ trợ lãi suất là do nghĩ rằng từ việc thanh tra gói hỗ trợ lãi suất, doanh nghiệp sẽ bị thanh tra thuế hoặc thanh tra các hoạt động khác. Đồng thời, lãi suất cho vay hiện đã dễ thở hơn, nên doanh nghiệp không có nhu cầu vay gói tín dụng hỗ trợ lãi suất.
Trong khi đó, các ngân hàng cho biết việc khó xác định đối tượng khách hàng "có khả năng phục hồi” khiến ngân hàng dù muốn cũng không thể giải ngân, nên gói hỗ trợ đáng lẽ rất cấp bách đã bị lỡ tính thời điểm.
“Việc xác định đối tượng thuộc diện "có khả năng phục hồi" theo quy định để được vay vốn là khá khó khăn. Bởi một số doanh nghiệp dù có khả năng trả nợ, nhưng cũng không thể khẳng định "có khả năng phục hồi", nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều yếu tố rủi ro, đơn hàng sụt giảm mạnh như năm qua”, đại diện một ngân hàng thương mại nói.
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội về tổng hợp kết quả kiểm toán tổ chức thực hiện Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội nêu, một số ngân hàng ban hành văn bản hướng dẫn nội bộ chưa xây dựng tiêu chí để đánh giá “khả năng phục hồi” của khách hàng làm căn cứ xét duyệt hỗ trợ lãi suất, như: HSBC, Public Bank, NCB.
Đề xuất điều chuyển sang hình thức khác
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, bản thân các doanh nghiệp trong 2 năm Covid-19 đã khó khăn, năm nay bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất ổn, trong nước doanh nghiệp đang phải đối diện với khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp phải chứng minh không có nợ xấu và phục hồi được là điều rất khó.
Về phía ngân hàng, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank đánh giá: “Biến động lãi suất trong suốt thời gian vừa rồi cũng làm cho chính sách hỗ trợ lãi suất bị ảnh hưởng nhất định. Bởi khi lãi suất cao thì việc hỗ trợ không có ý nghĩa, đến bây giờ lãi suất xuống thấp thì doanh nghiệp cũng không còn mặn mà, chưa kể thủ tục còn phức tạp”.
Từ những khó khăn, vướng mắc khiến gói hỗ trợ lãi suất 2% không đạt mục tiêu và tính hiệu quả, ông Trần Hoàng Ngân, chuyên gia kinh tế kiến nghị nên điều chuyển gói hỗ trợ này sang hình thức hỗ trợ khác như miễn giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, là những chính sách hỗ trợ rất thiết thực và đang phát huy hiệu quả trong hỗ trợ doanh nghiệp.
Cũng đồng tình với việc nên điều chuyển gói hỗ trợ lãi suất 2%, song ông Phạm Xuân Hoè, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN), cho rằng nên thành lập một quỹ bảo lãnh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, theo đó, gộp 26 quỹ tại các địa phương, xem xét bảo lãnh tín chấp cho các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận vốn.
Thực tế, hiện nay, NHNN đã có văn bản gửi các cơ quan liên quan về kết quả triển khai chương trình này để có cơ sở xây dựng phương án, để xuất cấp có thẩm quyền chuyển sang hình thức, chính sách hỗ trợ khác có khả năng triển khai, còn dư địa.
Cụ thể, trong báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới đây, NHNN đề xuất không tiếp tục sửa các tiêu chí, điều kiện để hưởng chính sách hỗ trợ, mà giao Bộ KH&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền chuyển nguồn lực cho các chính sách khác có khả năng triển khai, còn dư địa thực hiện.
NHNN cũng đã có văn bản gửi Bộ KH&ĐT cung cấp thông tin về kết quả hỗ trợ lãi suất và dự kiến khả năng hấp thụ chính sách để Bộ này có thông tin làm cơ sở xây dựng phương án đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh nhiệm vụ chi hỗ trợ lãi suất không sử dụng hết sang hình thức, chính sách hỗ trợ khác có khả năng triển khai, còn dư địa thực hiện theo quy định.
Huyền Anh