Đầu tháng 10 này, ngay sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội, chị Thuỷ (Hoàng Mai, Hà Nội) đến chi nhánh một ngân hàng thương mại cổ phần lớn tại Linh Đàm tất toán khoản tiền tiết kiệm 30 triệu đồng kỳ hạn 6 tháng và được nhận lãi gần 600 nghìn đồng.
Lãi suất cao chỉ để... “làm màu”
“Khoản tiền 30 triệu đồng này trước đây gia đình chưa dùng đến nên gửi tạm ở ngân hàng, nhưng hai kỳ gửi 6 tháng lãi chưa được 600 nghìn đồng. Vì vậy, tôi quyết định rút ra để đầu tư vào chứng khoán sẽ có lợi nhuận cao hơn”, chị Thuỷ nói với VnBusinees.
Có lẽ, câu chuyện của chị Thủy không phải là hiếm trong thời gian vừa qua khi mà lãi suất ngân hàng đang được xem là thấp, khó hấp dẫn người dân.
Theo khảo sát của VnBusiness, nhìn chung toàn thị trường, đến giữa tháng 10/2021, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng thấp nhất là 3,7%/năm và cao nhất là 6,1%/năm; kỳ hạn 12 tháng thấp nhất là 4,5%/năm và cao nhất 7,1%/năm.
Tuy nhiên, để được hưởng mức lãi suất cao nhất khách hàng phải đáp ứng điều kiện gửi ít nhất 999 tỷ đồng cho kỳ hạn 12 tháng. Trong bối cảnh nguồn thu sụt giảm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhiều ý kiến cho rằng, mức lãi này chả khác nào ngân hàng đang “đánh đố” người dân.
Nhiều nhà băng đang tung ra sản phẩm chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu để hút khách hàng. |
Thông thường, ngân hàng sẽ dùng chỉ số lạm phát để tham chiếu ra mức lãi suất huy động. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), lạm phát tại Việt Nam năm nay có thể tăng 2,8-3,5%. Nếu lấy tạm con số ước tính lạm phát 3%, thì với lãi suất huy động đầu vào bình quân 5-5,5%/năm hiện nay, người gửi tiền đang hưởng lãi suất thực dương 2%. So sánh với một số kênh đầu tư khác như: chứng khoán, bất động sản… mức chênh lệch 2% được xem là quá thấp, khó "giữ chân" người gửi tiền.
Lý giải về câu chuyện trên, lãnh đạo một số ngân hàng nói rằng, không chỉ mặt bằng lãi suất huy động thấp mà việc cho vay vốn cũng không dễ bởi ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhiều ngân hàng chịu sức ép phải giảm chi phí đầu vào để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế nên không thể duy trì lãi suất huy động ở mức hấp dẫn như trước.
Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho thấy, tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tăng khá chậm, thậm chí đi ngang. Đến cuối tháng 8 tăng 4,17% so với đầu năm (lên hơn 10,4 triệu tỷ đồng), chưa bằng 60% tăng trưởng cho vay ra.
Trao đổi với báo giới, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, không thể tiếp tục giảm lãi suất đầu vào, bởi nếu lãi suất quá thấp, người dân sẽ không gửi tiền nữa mà đi đầu tư bất động sản, mua vàng.
Điều này có thể dẫn đến bất ổn thanh khoản ngân hàng, ảnh hưởng tới nền kinh tế. Các ngân hàng chủ yếu đi vay từ người dân để cho vay ngược lại nền kinh tế. Do đó vẫn phải duy trì được đầu vào, ổn định lãi suất và đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền.
Thanh khoản ngân hàng vẫn dồi dào
Trước việc tiền gửi mất đi sức hấp dẫn với người dân, nhiều nhà băng đã tung sản phẩm chứng chỉ tiền gửi để hút khách hàng. Các sản phẩm này thường lãi suất cao hơn so với gửi thông thường, nhưng cũng yêu cầu khách hàng để tiền của mình lâu hơn so với gửi thông thường, phổ biến là trên 1 năm, và không được rút trước hạn.
Chẳng hạn tại SCB tung ra chứng chỉ tiền gửi 12 tháng với lãi suất 7,05%/năm, khách hàng phải gửi tối thiểu 100 triệu đồng, trong khi đó nếu khách hàng gửi tiết kiệm cùng kỳ hạn chỉ được hưởng mức lãi suất 6,8%.
Techcombank mới đây tung sản phẩm mới là Chứng chỉ tiền gửi Bảo Lộc -Techcombank iCAP. Theo đó, khách hàng chưa có ý tưởng kinh doanh hay đầu tư thì có thể tạm để tiền vào Techcombank iCAP để khoản tiền nhàn rỗi này vẫn có thể sinh lời. Lợi nhuận từ việc mua bán thực tế của Techcombank iCAP là 2,5%/năm theo ngày và 3,6%/năm cho thời hạn nắm giữ 3 tháng - cao hơn mức lãi suất tại quầy của nhà băng này.
Chia sẻ với VnBusiness, PGS, TS. Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế vĩ mô, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: Trước đây, dù lạm phát rất thấp nhưng việc huy động tiền gửi cũng đã khó khăn do lãi suất đang ở mức thấp như: lãi suất ngắn hạn hơn 3%, dài hạn từ 6-7%. Vì vậy, nếu tiếp tục hạ lãi suất huy động người dân sẽ không gửi tiền vào ngân hàng mà sẽ chuyển sang các kênh đầu tư khác.
Trong khi đó, bong bóng giá tài sản đang là mối lo ngại, nếu dòng tiền chuyển mạnh sang thị trường bất động sản, chứng khoán… làm tăng giá các tài sản này và làm rủi ro cho hệ thống chênh lệch khoảng cách giàu nghèo. Tuy nhiên, nếu các ngân hàng tăng lãi suất huy động sẽ đẩy lãi suất cho vay tăng theo.
“Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, NHNN nên duy trì tăng trưởng cung tiền vừa phải trong năm nay khoảng 7% để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô”. PGS, TS. Phạm Thế Anh nói.
Cũng có ý kiến lo ngại, nếu tiền liên tục “chảy” ra khỏi hệ thống ngân hàng, thì nguy cơ căng thẳng thanh khoản là điều khó tránh khỏi. Lúc đó, ngân hàng cũng khó hỗ trợ doanh nghiệp.
Thực tế, hiện nay thanh khoản ngân hàng vẫn khá dồi dào nhờ các hợp đồng mua ngoại tệ kỳ hạn của NHNN tiếp tục được thực hiện. Cùng với đó, Kho bạc Nhà nước cũng bắt đầu mua một lượng lớn ngoại tệ, tăng cung VND ra thị trường. Điều này khiến thanh khoản hệ thống ngân hàng vốn dồi dào lại càng dồi dào hơn nữa.
Huyền Anh