Tại mùa Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2018, hầu hết các ngân hàng đều đưa ra kế hoạch tăng vốn, nhưng lại tỏ ra thận trọng với câu hỏi của cổ đông về khả năng tăng vốn thành công trong năm nay.
Vào cuối năm 2017, hàng loạt ngân hàng đã dồn dập tăng vốn, như VietinBank, Vietcombank, Techcombank, Saigonbank, OCB, MB, VPBank, ACB, VIB… Tuy nhiên, theo thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC), tính đến cuối năm 2017, hệ số an toàn vốn (CAR) của toàn hệ thống chỉ ước đạt 11,1% (năm 2016 là 11,6%).
Nhu cầu cấp thiết
Trong năm nay, không một nhà băng nào quên trình ĐHCĐ thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ_với mục đích nâng cao năng lực tài chính và quan trọng hơn là tiến tới đáp ứng các chuẩn mực quốc tế theo quy định Basel II.
Tại ĐHCĐ vừa qua, VPBank trình kế hoạch tăng vốn điều lệ từ hơn 15.706 tỷ đồng lên hơn 27.799 tỷ đồng thông qua 5 đợt phát hành thêm cổ phiếu để trả cổ tức, cổ phiếu thưởng, phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Với kế hoạch tăng thêm 43,5% so với mức hiện tại, từ mức 5.644 tỷ đồng lên tối đa 8.100 tỷ đồng, VIB dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ bằng các hình thức phát hành và chào bán riêng lẻ tối đa 10% vốn điều lệ, phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư các quỹ và lợi nhuận để lại.
Năm nay, MB dự kiến tăng vốn điều lệ từ hơn 18.000 tỷ đồng lên 21.600 tỷ đồng_(tăng 19%). Cụ thể, MB dự kiến phát hành cổ phiếu để trả cổ tức đợt 2 trong năm 2017 (5% tương đương hơn 90,7 triệu cổ phiếu) và tăng vốn từ các nguồn vốn chủ sở hữu phù hợp quy định (14% tương đương hơn 254 triệu cổ phiếu hay cổ phiếu thưởng).
Dù chưa có phương án tăng vốn điều lệ, nhưng tại ĐHCĐ mới đây, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank, cho biết hiện vốn chủ sở hữu của ngân hàng là hơn 26.900 tỷ đồng. Để chuẩn bị cho roadshow thời gian tới, ngân hàng tạm thời chưa tính đến tăng vốn điều lệ, nhưng sau khi bán cổ phiếu cho nhà đầu tư sẽ bàn đến việc này.
Ngoài ra, Techcombank vừa hút được một khoản đầu tư rất “khủng” 370 triệu USD từ hai nhà đầu tư pháp nhân độc lập được quản lý bởi Warburg Pincus, nên có lẽ vốn không phải là vấn đề.
Trước đó, năm 2017, tại ĐHCĐ, Techcombank đã trình kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 8.878 tỷ đồng lên 13.878 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến cuối năm mới tăng lên được hơn 11.655 tỷ đồng.
Việc tăng vốn không hề dễ dàng như kế hoạch trên giấy mà các ngân hàng trình trước cổ đông |
Thận trọng là không thừa
Nhu cầu tăng vốn là hiện hữu và cấp thiết, thậm chí còn mang tính sống còn đối với mỗi ngân hàng. Tuy nhiên, việc tăng vốn lại không hề dễ dàng như kế hoạch trên giấy mà các ngân hàng trình trước cổ đông. Bởi thế mà có những ngân hàng trong liên tiếp các mùa ĐHCĐ gần đây đều trình kế hoạch tăng vốn nhưng năm nào cũng “lỡ hẹn”.
Chẳng hạn, năm 2016, VietABank đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.500 tỷ đồng lên 4.200 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa thực hiện được, sang năm 2017, kế hoạch này lại tiếp tục trình cổ đông. Vốn điều lệ của VietABank hiện vẫn đang ở mức gần 3.500 tỷ đồng.
Tương tự, năm 2016, OCB lên kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 4.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng, nhưng đến hết năm 2017 mới hoàn thành mục tiêu. Dự kiến, trong năm nay, OCB sẽ tăng vốn điều lệ thêm 2.500 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng để đảm bảo hệ số CAR, tiêu chuẩn Basel II và việc đầu tư hệ thống công nghệ hỗ trợ phát triển sản phẩm mới.
Có thể thấy, trước đây, các ngân hàng luôn kỳ vọng vào khả năng cải thiện nguồn vốn nhờ vào các cổ đông chiến lược nước ngoài. Song, câu chuyện này không hề dễ dàng, bởi mức room (tổng mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) tối đa 30% chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư ngoại.
Chẳng hạn, nhiều năm qua, kế hoạch bán 7% vốn cho quỹ GIC (Singapore) của Vietcombank đã không thể thực hiện được, dù quỹ đầu tư này vẫn theo đuổi. Hay NCB liên tục tìm kiếm nhà đầu tư ngoại nhưng đến nay vẫn chưa thành công.
Không phải ngẫu nhiên mà trong thời điểm này, các ngân hàng chọn phương án tăng vốn bằng cách phát hành thêm cổ phiếu hay đưa cổ phiếu lên sàn.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh khó tìm nhà đầu tư ngoại, việc nâng vốn bằng cách phát hành cổ phiếu sẽ khả thi hơn cả, do thị trường chứng khoán thuận lợi đang hỗ trợ rất lớn cho cổ phiếu ngành ngân hàng, nên đây được xem là cơ hội “vàng” để các ngân hàng nắm lấy.
Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo ngân hàng vẫn tỏ ra thận trọng khi trả lời câu hỏi của cổ đông liệu có tăng vốn thành công trong năm nay.
Giới chuyên gia phân tích, dự kiến trong quý III và IV, thị trường sẽ đón nhận thêm hàng loạt cổ phiếu được phát hành thêm hay cổ phiếu mới lên sàn, khiến nguồn cung tăng mạnh.
Vì vậy, giá cổ phiếu khó có thể bùng nổ như thời gian qua, nên nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc lựa chọn những cổ phiếu có giá trị cao. Điều này sẽ bất lợi cho các ngân hàng nhỏ, ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu và còn nhiều “lỗi” phải chỉnh sửa.
“Việc tăng vốn đối với các ngân hàng nhỏ, ngân hàng đang tái cơ cấu vẫn là vấn đề đáng lo”, một chuyên gia nhận định.
Huyền Anh