Chia sẻ tại cuộc họp báo về Kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2022 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), bà Hà Thu Giang thông tin: Cuối tháng 8, đầu tháng 9 vừa qua, 2 công ty tài chính là Công ty Tài chính VPBank SMBC (FE Credit) và Công ty tài chính trách nhiệm hữu hạn HD Saigon (thuộc HDBank) đã tích cực phối hợp với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐVN ) tổ chức đoàn khảo sát đến 10 tỉnh thành phố tập trung nhiều khu công nghiệp, nhằm nắm bắt tình hình thực tế nhu cầu vay vốn của công nhân, làm cơ sở cho việc xây dựng các sản phẩm và quy trình cho vay.
“Sau chuyến khảo sát này, 2 công ty đã lên Dự thảo về khung chương trình quy trình cho vay cũng như Dự thảo về quy chế phối hợp giữa 2 công ty tài chính với Tổng LĐLĐVN. Dự kiến trong tháng 10 sẽ ký quy chế phối hợp triển khai chương trình này”, bà Giang cho hay.
FE Credit dành 10.000 tỷ đồng với lãi suất bằng 50% lãi suất thị trường hiện nay để cho vay tất cả nhu cầu chính đáng của công nhân. |
Đây là lần đầu tiên trên thị trường có một gói vay tổng trị giá lớn đến như vậy dành cho đối tượng công nhân lao động. Theo đó, mỗi ngân hàng triển khai gói 10.000 tỷ đồng với lãi suất bằng 50% lãi suất thị trường hiện nay để cho vay tất cả nhu cầu chính đáng của công nhân.
Cụ thể, người lao động vay tiêu dùng có thời hạn 2 tháng đến tối đa 3 năm (tương ứng 70 triệu đồng) nhằm phục vụ tiêu dùng, sinh hoạt hằng ngày như đi chợ, đóng tiền học cho con…
Sau những chuyến khảo sát vừa qua, bà Trần Thị Thanh Hà - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐVN cho biết, người lao động có nhu cầu rất lớn về hỗ trợ tín dụng vì gặp nhiều khó khăn do thu nhập thấp; rào cản thủ tục khi vay ngân hàng; sức ép thanh toán lãi cao khi vay “tín dụng đen”.
“Qua trao đổi thông tin từ người lao động, đoàn khảo sát của Tổng LĐLĐVN đã ghi nhận mong muốn của họ là sẽ được vay từ các gói hỗ trợ tín dụng của các ngân hàng chính thống, với quy trình nhanh gọn, thuận lợi, không có những quy định khắt khe về thế chấp tài sản, đặc biệt là lãi suất thấp không như mức “cắt cổ” của các đối tượng “tín dụng đen”… Người lao động muốn được vay từ gói hỗ trợ tín dụng để dành đóng học phí cho con dịp đầu năm; dùng để học tập, nâng cao tay nghề để có việc làm ổn định, thu nhập cao hơn; mua nhà, sắm sửa đồ đạc…”, bà Hà cho biết.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai các gói tín dụng dành cho người lao động sẽ hạn chế tình trạng “tín dụng đen” đang bủa vây công nhân tại các khu công nghiệp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vấn đề quan trọng hiện nay là cần phải đẩy nhanh tốc độ triển khai của gói hỗ trợ này, sử dụng biện pháp công nghệ tạo điều kiện thuận lợi cho người vay tiếp cận nguồn vốn.
Trao đổi với VnBusiness, một chuyên gia ngân hàng cho rằng, cần xây dựng quy định thủ tục vay nhanh gọn, dễ dàng. Nếu thủ tục rườm rà, bắt phải chứng minh nhiều giấy tờ, chờ đợi lâu, người cần tiền gấp phải chạy đi vay nặng lãi thì mục đích hỗ trợ người nghèo không có tác dụng.
"Đặc biệt, với gói tín dụng này dành cho đối tượng có thu nhập thấp, vì vậy cho vay đúng người để đảm bảo an toàn nguồn vốn. Người vay vốn phải đúng là người cần vốn chính đáng, đáp ứng nhu cầu thực sự của đời sống, sinh hoạt hoặc làm ăn. Nếu như người vay vốn để chơi cờ bạc, lô đề, ăn nhậu thì sẽ không có khả năng trả vốn và lãi, chương trình hỗ trợ vốn sẽ thất bại", chuyên gia này nói.
Thanh Hoa