Các chuyên gia cảnh báo động thái này của các ngân hàng sẽ khiến lãi suất cho vay tăng theo trong thời gian tới, nhất là các khoản cho vay trung dài hạn, cho vay tiêu dùng cá nhân, vay mua bất động sản..
Theo CTCP Chứng khoán SSI, tuần qua, một số ngân hàng thực hiện phát hành chứng chỉ tiền gửi hoặc điều chỉnh tăng lãi suất huy động các kỳ hạn dài 18, 24 hoặc 36 tháng. Hiện, lãi suất các kỳ hạn này dao động trong khoảng 7,6-8,6% ở các ngân hàng để gia tăng lượng tiền gửi dài hạn.
Siêu lãi suất
Ghi nhận trên thị trường cho thấy, bên cạnh việc tăng lãi suất huy động kỳ hạn 18, 24, 36 tháng, hàng loạt ngân hàng đã công bố phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất hấp dẫn.
Chẳng hạn, BIDV vừa phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng với mệnh giá tối thiểu là 10 triệu VND/tài khoản dành cho khách hàng cá nhân và 50 triệu VND/ tài khoản dành cho khách hàng tổ chức kinh tế, tổ chức tài chính. Mức lãi suất là 7,6%/năm dành cho hình thức lãi suất cố định và lãi suất thả nổi, kỳ đầu là 7,5%/năm.
Trước đó, nhiều ngân hàng đã phát hành chứng chỉ tiền gửi trung và dài hạn với mức siêu lãi suất. Điển hình như tại SeaBank, các khách hàng tham gia với mệnh giá tối thiểu từ 100 triệu đồng, thời hạn 24 tháng, 36 tháng sẽ được hưởng mức lãi suất tương ứng là 8,4%/năm và 8,6%/năm.
Ngoài ra, tỷ lệ cho vay/(tiền gửi + phát hành giấy tờ có giá) của các ngân hàng liên tục tăng, mạnh nhất là ở nhóm các ngân hàng nhỏ.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho hay, thời gian qua, các ngân hàng đua tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài nhằm hút tiền gửi nhưng số người gửi tiết kiệm kỳ hạn dài vẫn rất ít.
Chưa kể, gửi tiết kiệm kỳ hạn tối đa chỉ khoảng 3 năm, trong khi chứng chỉ tiền gửi thời hạn có thể lên đến 7 năm. Đây là lý do mà hầu hết các ngân hàng phải chuyển sang phát hành chứng chỉ tiền gửi, chấp nhận bỏ ra nguồn vốn với lãi suất cao hơn lãi suất tiết kiệm khoảng 1%/năm để thu hút được nguồn vốn dài hạn và ổn định để cho vay.
Nguồn vốn trung, dài hạn tại các ngân hàng hiện nay vẫn chiếm tỷ trọng khiêm tốn trong tổng nguồn vốn huy động. Trong khi đó, quy định về siết tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống 40% khiến các ngân hàng rơi vào tình cảnh “khát” vốn dài hạn.
Phát hành chứng chỉ tiền gửi được nhiều nhà băng lựa chọn để huy động vốn trung dài hạn |
Lãi suất trung, dài hạn khó giảm
Các chuyên gia cho biết thời gian qua, các ngân hàng đang chuyển dịch dần sang hoạt động bán lẻ, theo đó tập trung cho vay khách hàng cá nhân. Đặc thù của các sản phẩm cho vay tiêu dùng khách hàng cá nhân thường đòi hỏi kỳ hạn dài, nên để có thể tiếp tục cho vay trung, dài hạn, các ngân hàng buộc phải tăng cường cải thiện nguồn vốn trung, dài hạn ngay từ bây giờ.
Một chuyên gia đánh giá, trong bối cảnh việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng kém thuận lợi thì gia tăng huy động vốn kỳ hạn dài vẫn là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giảm chỉ tiêu về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn với mức lãi suất phù hợp.
Tuy nhiên, điều này cũng sẽ tạo áp lực tăng đối với lãi suất cho vay các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, cho nên lãi suất cho vay trung dài hạn rất khó giảm như kỳ vọng, đặc biệt là cho vay tiêu dùng mua nhà, mua ô tô.
Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, cho rằng ngoài sức ép thiếu vốn trung dài hạn, việc chọn lựa phương án phát hành chứng chỉ tiền gửi cũng giúp các ngân hàng tính trước được chi phí bỏ ra, do chỉ phát hành với số lượng nhất định.
Nếu bán đủ số lượng trước hạn, ngân hàng sẽ kết thúc đợt phát hành trước hạn. Ngược lại, nếu tăng lãi suất huy động, chi phí phải bỏ ra cao hơn do sẽ phải tăng lãi suất trên toàn bộ danh mục, chưa kể ngân hàng cũng không chủ động được đầu vào.
Tuy nhiên, ông Hiếu khuyến cáo, người mua chứng chỉ tiền gửi cũng cần phải tính toán kỹ, chỉ nên mua khi có nguồn vốn nhàn rỗi dài hạn. Chứng chỉ tiền gửi hấp dẫn nhất ở góc độ lãi suất, kế đến là mức độ tiếp cận khá dễ dàng (nhà đầu tư cá nhân có thể thoải mái mua, không giới hạn trong phạm vi nhà đầu tư tổ chức).
Tuy vậy, điểm bất lợi là người mua khi có nhu cầu rút vốn thì buộc phải chờ đến thời điểm đáo hạn. Nếu chứng chỉ tiền gửi chưa đến hạn thanh toán mà người mua có nhu cầu về vốn thì có thể thế chấp chứng chỉ tiền gửi tại ngân hàng phát hành, nhưng mức lãi suất cho vay sẽ không hề dễ chịu.
Huyền Anh