Ngân hàng Nhà nước vừa công bố số dư tiền gửi trên tài khoản thanh toán cá nhân trong hệ thống ngân hàng đã ghi nhận xu hướng tăng mạnh. Cụ thể, quý I năm nay, số dư này đã tăng gần 103.600 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 11% và chính thức vượt mốc 1 triệu tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 8 liên tiếp số dư tiền gửi thanh toán cá nhân ghi nhận tăng trưởng dương.
Tài khoản thanh toán cá nhân là các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn. Vì vậy, hơn 1 triệu tỷ đồng kể trên đều là các khoản tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất phổ biến chỉ 0,1-0,3%/năm. Số dư tiền gửi có kỳ hạn của người dân cũng tăng nhanh trong quý đầu năm nay.
Số dư tiền gửi trên tài khoản thanh toán của người dân vượt mốc 1 triệu tỷ đồng. |
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 3, tổng phương tiện thanh toán đạt hơn 13,86 triệu tỷ đồng, tăng 3,45% so với cuối năm 2021. Tiền gửi của dân cư vào các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 3 đạt hơn 5,47 triệu tỷ đồng, tăng hơn 170.000 tỷ so với thời điểm cuối năm 2021 (tương đương mức tăng 3,28%). Đáng chú ý, mức tăng này lớn hơn cả tăng trưởng đạt được cả năm 2021 (chỉ hơn 158.000 tỷ đồng).
Trong khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 3 là 5,86 triệu tỷ đồng, tăng 3,9% so với thời điểm cuối năm 2021. Đáng chú ý, so riêng trong tháng 3, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đã tăng thêm gần 230.000 tỷ đồng.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần đánh giá: "Lượng tiền gửi tại ngân hàng từ đầu năm đến nay luôn giữ xu hướng tăng, qua đó đảm bảo khả năng cung ứng vốn của ngành ngân hàng cho nền kinh tế, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế. Việc tăng trưởng nguồn vốn của ngân hàng không chỉ phản ánh niềm tin của người dân, doanh nghiệp với ngân hàng, mà còn phản ánh các tiện ích của dịch vụ ngân hàng ngày càng tốt hơn, thu hút dòng tiền vào hệ thống".
Theo ghi nhận của VnBusiness, trong 3 tháng trở lại đây, hầu như các ngân hàng tư nhân đều tăng lãi suất huy động, phổ biến khoảng 0,3-0,5%/năm. Tính tới đầu tháng 6/2022, mặt bằng lãi suất tiền gửi đã tăng đáng kể, khoảng 10 ngân hàng đưa ra mức lãi suất trên 7%/năm. Ở kỳ hạn 12 tháng, SCB là nhà băng trả lãi cao nhất (7,3%). Nhóm 4 ngân hàng có vốn nhà nước cũng rục rịch tăng lãi suất. Lần đầu tiên trong 3 năm qua, BIDV tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,1%/năm ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành Vietcombank cho biết, lãi suất huy động có xu hướng tăng trong thời gian qua, vì biến động kinh tế thế giới hậu đại dịch, bất ổn chính trị, giá dầu và hàng hóa tăng mạnh gây áp lực lên lạm phát toàn cầu. Các ngân hàng trung ương trên thế giới đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất.
T.H