Phát biểu tại Hội thảo: Ngành ngân hàng Việt Nam với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tổ chức ngày 15/6, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đi kèm với cơ hội cho các ngân hàng là những thách thức không dễ hóa giải.
Đó là trở ngại trong việc thay đổi mô hình kinh doanh, mô hình quản trị… Riêng với cơ quan quản lý cũng phải sửa đổi một số điều luật để phù hợp hơn với cuộc cách mạng này.
Chủ động với công nghệ mới
Theo Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, không nằm trong 9 lĩnh vực được đánh giá là chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất từ làn sóng công nghệ mới, nhưng ngân hàng được đánh giá là một trong những ngành chủ động và đi đầu trong ứng dụng tiến bộ KH&CN trong quản lý và kinh doanh.
Việc ứng dụng các công nghệ 4.0 đã làm thay đổi kênh phân phối và các dịch vụ truyền thống, nhờ đó đã giảm chi phí giao dịch, chi phí đầu tư địa điểm, con người, tăng năng lực cạnh tranh cho ngành ngân hàng. Cùng với đó, khả năng tiếp cận dữ liệu là vô cùng lớn.
Bên cạnh những cơ hội, thách thức cho ngành ngân hàng cũng không phải ít. Dưới góc độ là những ngân hàng đang áp dụng mạnh mẽ công nghệ 4.0, đại diện VIB chia sẻ, từ năm 2013, VIB đã bắt đầu ứng dụng công nghệ điện toán đám mây (cloud), sau 20 phút đã có máy chủ nên đã đáp ứng được thị trường nhanh chóng.
Tuy nhiên, khi VIB mua 1 cloud phần mềm trên máy chủ của đối tác để ở nước ngoài đã phát sinh nhiều bất cập. Chẳng hạn khi khách hàng đã trở thành khách hàng thân thiết của ngân hàng thì không thể để được lên cloud vì tính bảo mật, nếu muốn sử dụng dữ liệu của khách hàng, VIB phải kéo về. Do đó, nếu dùng cloud phải dùng cloud đặt ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, cho biết hiện nay, TPBank triển khai nhiều sản phẩm cho vay với khách hàng thấp, nếu không cắt giảm chi phí sẽ không giảm lãi suất cho vay được. Tuy nhiên, nhờ ứng dụng công nghệ mới, TPBank chỉ dùng 30% nhân lực, còn lại 70% là công nghệ thay thế.
Theo ông Hưng hiện có đến 90% dữ liệu khách hàng mà ngân hàng thu thập được đã bị bỏ phí.
Đơn cử, sau khi hoàn tất tất cả dữ liệu của khách hàng, ngân hàng sẽ giải ngân vốn cho vay, nhưng sau đó, những dữ liệu ngoài lề bỏ phí, chẳng hạn như: khách hàng đó thích màu gì, tiêu chí và nhu cầu ra sao… mà chỉ giữ lại dữ liệu về khoản vay, thông tin số điện thoại… Trong khi đó, để khai thác được những dữ liệu này rất tốn kém.
Ngoài những thách thức trên, ông Vũ Tất Thành, Phụ trách khối dịch vụ tài chính ngân hàng của Microsoft, cho biết các ngân hàng còn đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt không chỉ nằm ở các công ty Fintech nữa, mà cả công ty ngoài ngành như: Grab bây giờ cũng đã có Grab Pay, nếu NHNN cho phép họ có thể cung cấp thêm dịch vụ chuyển tiền.
![]() |
Nhờ ứng dụng công nghệ mới, TPBank chỉ dùng 30% nhân lực, còn lại 70% là công nghệ thay thế |
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý
Nêu lên thực trạng hiện nay, đại diện NHNN cho biết, việc ứng dụng công nghệ 4.0 sẽ giúp các ngân hàng tiết kiệm chi phí do không cần chi nhánh giao dịch, không cần giao dịch viên, mà chỉ cần nhân viên chăm sóc khách hàng… Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, trong nhiều giao dịch, khách hàng vẫn phải đến ngân hàng.
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, ngành ngân hàng cũng đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng thích ứng với bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0).
Do vậy, các chuyên gia cho rằng để hội nhập cùng CMCN 4.0, cơ quan quản lý cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, xác định những chuẩn mực chung đối với việc ứng dụng công nghệ số, ban hành khuôn khổ pháp lý thử nghiệm cho các sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng dựa trên công nghệ mới, tạo môi trường sinh thái tốt cho các tổ chức tín dụng và các công ty Fintech phát triển cung ứng sản phẩm dịch vụ tài chính trên nền tảng công nghệ số.
Ngoài ra, phải phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, chuyên môn và ngân hàng trong việc giám sát các hoạt động, bảo đảm an toàn giao dịch, phòng chống tội phạm công nghệ cao cũng như các hoạt động rửa tiền… Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao cho NHNN và các tổ chức tín dụng.
Đối với các ngân hàng, ông Nguyễn Ngọc Hoàng, Trưởng tư vấn chiến lược công nghệ mới cho ngành ngân hàng, công ty KPMG, cho rằng thách thức lớn nhất đối với các ngân hàng thương mại là việc thay đổi mô hình quản trị điều hành, mô hình kinh doanh, cấu trúc sản phẩm dịch vụ để thích ứng với xu hướng khách hàng thế hệ số, nền kinh tế số.
Vì vậy, các ngân hàng phải xây dựng mô hình chi nhánh hiện đại – dựa vào nền tảng công nghệ tự động hóa, kết nối đa chiều và thông minh hóa của CMCN 4.0. Tăng cường công tác quản lý an ninh mạng, đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng trung tâm dự phòng dữ liệu.
Huyền Anh