Gõ từ khoá “Trịnh Văn Quyết” trên Google vào thời điểm này, thông tin đầu tiên trong khoảng 16,1 triệu kết quả chính là về việc tạm hoãn xuất cảnh trong một tháng đối với vị chủ tịch HĐQT CTCP tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết.
Tuy nhiên, phía lãnh đạo Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết thông tin nêu trên, kể cả thông tin ông Quyết bị bắt tạm giam là chưa chính xác.
Tác động dây chuyền đến cổ phiếu “họ FLC”
Ngoài ra, thông tin cũng “nóng” không kém được cập nhật trên công cụ tìm kiếm là chuyện cổ phiếu liên quan ông Trịnh Văn Quyết đang bị bán tháo mạnh, rớt sàn. Theo đó, hơn 160 triệu cổ phiếu “họ FLC” bị dư bán sàn, nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn rớt giá.
Những thông tin “xấu” liên tiếp về ông Trịnh Văn Quyết đã tác động dây chuyền đến cổ phiếu “họ FLC”. |
Qua tìm hiểu thì từ chiều ngày 27/3 và trong ngày 28/3 đã xuất hiện hàng loạt tin “xấu” trên mạng xã hội về ông Trịnh Văn Quyết. Điều này đã tác động lớn đến cổ phiếu “họ FLC” cũng như thị trường chứng khoán.
Hiện tại, nếu vào website chính thức của CTCP tập đoàn FLC, ở mục tin tức - sự kiện sẽ thấy trong tháng 3/2022 này, doanh nghiệp có khá nhiều hoạt động trong đầu tư kinh doanh đã hoặc sắp diễn ra. Chẳng hạn như vào ngày 30/3 tới, FLC và hãng hàng không Bamboo Airways tiếp tục phối hợp cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Anh tổ chức Diễn đàn xúc tiến đầu tư tại London.
Trước đó, từ ngày 6/3 đến ngày 14/3, FLC, Bamboo Airways đã tổ chức “Tuần lễ xúc tiến đầu tư vào Việt Nam” tại Đức và Hà Lan. Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện, Bamboo Airways đã ký kết hợp tác với nhiều đối tác lớn của châu Âu trong các lĩnh vực quan trọng.
Hoặc như hôm 21/3, tập đoàn FLC và Công ty Thương mại Dầu khí Lào (PetroTrade) đã ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác phát triển dự án tuyến đường sắt Viêng Chăn – Vũng Áng kết nối Lào – Việt Nam.
Hoặc như thông tin FLC dự kiến vào tháng 4/2022 khởi công quần thể đô thị sân golf với tiện ích hàng đầu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Còn mới đây, tập đoàn này có đề xuất đầu tư 2 dự án lớn ở huyện Củ Chi (Tp.HCM) là dự án Công viên Sài Gòn Safari (quy mô hơn 456ha) và dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng ven sông Sài Gòn (quy mô hơn 910ha).
Riêng về thông tin tạm hoãn xuất cảnh hay những thông tin “xấu”khác có liên quan về mặt pháp luật đối với ông Trịnh Văn Quyết thì chưa thấy website chính thức của FLC có phản hồi gì.
Trong khi đó, theo những số liệu mới cập nhật thì nhóm cổ phiếu FLC Group, gồm FLC, ROS, AMD, KLF, ART, HAI... là tâm điểm giao dịch trên thị trường chứng khoán trong phiên sáng 28/3. Hàng loạt mã thuộc nhóm này đều bị bán tháo, khiến giá lao dốc hết biên độ.
Cụ thể, FLC giảm về giá sàn là 13.600 đồng/cổ phiếu và trắng bên mua trong khi dư bán hơn 59 triệu cổ phiếu ở giá sàn. Tương tự, ROS cũng nằm sàn xuống 8.770 đồng/cổ phiếu và vẫn dư bán gần 52 triệu cổ phiếu; KLF giảm sàn xuống 6.400 đồng/cổ phiếu và dư bán hơn 11 triệu cổ phiếu; HAI rớt sàn về 6.320 đồng/cổ phiếu và dư bán hơn 6,3 triệu cổ phiếu; ART xuống giá 10.300 đồng/cổ phiếu và dư bán giá sàn hơn 3,5 triệu cổ phiếu…
“Gót chân A-sin”
Tác động tiêu cực của nhóm FLC Group cũng gây áp lực lớn lên thị trường chung. VN-Index tạm dừng phiên sáng lao dốc 13,94 điểm (-0,93%) về 1.484,56 điểm, do áp lực bán tháo tại phần lớn các nhóm ngành.
Sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu này cũng kéo theo các cổ phiếu bất động sản, xây dựng ngay lập tức chìm sâu trong sắc đỏ từ đầu phiên như KDH, VCB, CEO, DIG, LDG, CII, DRH, VCG, HUT, DPG, KBC, VHM, FCN…
Thị trường còn bị áp lực khi nhiều cổ phiếu có vốn hóa lớn khác như MSN (Masan), GVR (Công nghiệp cao su Việt Nam), DIG (Đầu tư phát triển xây dựng), VPB (VPBank), BID (BIDV), NVL (Novaland), VHM (Vinhomes), HPG (Tập đoàn Hòa Phát)... cũng bị nhà đầu tư đẩy mạnh bán ra, rớt giá.
Đối với tiểu sử cá nhân ông Trịnh Văn Quyết trên trang Wikipedia (một bách khoa toàn thư tự do) vẫn chưa có cập nhật gì mới. Tuy vậy, trang này có nêu lại những bê bối của ông Quyết khi giao dịch cổ phiếu mà không đưa ra thông báo hồi tháng 1/2022. Điều này được ví như “gót chân A-sin” của ông Quyết mà dư luận đến thời điểm hiện nay vẫn còn quan tâm.
Cụ thể, ông Trịnh Văn Quyết đã bất ngờ đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu FLC từ ngày 10/1/2022, giá trị giao dịch dự kiến theo mệnh giá là 1.750 tỷ đồng. Thời gian giao dịch dự kiến từ 10/1 đến 17/1. Mục đích được ông Quyết nêu là cơ cấu tài sản. Phương thức giao dịch thoả thuận hoặc khớp lệnh.
Trước giao dịch, ông Quyết nắm giữ 215 triệu cổ phiếu FLC tương ứng 30,34% vốn điều lệ doanh nghiệp. Hiện tại, FLC đang có 710 triệu cổ phiếu đang lưu hành, như vậy riêng lượng giao dịch trong phiên 10/1 lên tới 19% cổ phiếu của công ty. Không những vậy, thanh khoản FLC còn chiếm tới gần 10% thanh khoản sàn HoSE.
Ngày 11/1/2022, Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE) ra thông báo huỷ bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC vào ngày 10/1 theo chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Nguyên nhân huỷ giao dịch do Chủ tịch HĐQT FLC Trịnh Văn Quyết không báo cáo, không công bố thông tin trước khi giao dịch.
Trước đó, cuối ngày 10/1, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã ra quyết định yêu cầu Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam phong toả các tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết từ ngày 11/1. Các công ty chứng khoán cũng được yêu cầu dừng toàn bộ các giao dịch trên các tài khoản của ông Quyết từ ngày hôm đó.
Cơ sở để ra quyết định này là theo quy định tại Nghị định 155/2020, khi cần xác minh tình tiết làm căn cứ để ban hành quyết định xử phạt, biện pháp phong toả tài khoản nhằm ngăn chặn cá nhân tiếp tục vi phạm. Đến ngày 18/1/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt ông Trịnh Văn Quyết 1,5 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán của ông trong vòng 5 tháng.
Được biết, ngoài chức danh Chủ tịch HĐTQ FLC, ông Quyết còn là Chủ tịch hãng hàng không Bamboo Airways. Theo Wikipedia, giá trị tài sản của ông Quyết từng được ước tính khoảng 22,7 ngàn tỷ đồng, tương đương 1,02 tỷ USD. Tuy ông Quyết sở hữu gần 2 tỷ USD trên sàn chứng khoán Việt Nam (tháng 3/2017) nhưng không được Forbes ghi nhận tỷ phú USD và vẫn đang theo dõi đánh giá số tài sản này.
Thanh Loan