Trong báo cáo mới đây, FiinGroup cho rằng năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục giữ chính sách tiền tệ mở rộng, duy trì lãi suất thấp để kích cầu tín dụng. Dù vậy, nguy cơ bất ổn vẫn còn khi chính sách tiền tệ có thể thay đổi trong nửa cuối năm 2024.
Áp lực tỷ giá đẩy lãi suất tăng
Các ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm trong những ngày gần đây, với mức tăng trên dưới 1%/năm. Dự báo lãi suất huy động sẽ tăng thêm từ 0,5 - 1%/năm trong thời gian từ nay đến cuối năm 2024.
Lãi suất huy động tăng không chỉ do tín dụng hồi phục, ngân hàng cần phải bổ sung thêm thanh khoản để phục vụ nhu cầu vốn của nền kinh tế, mà còn do áp lực tỷ giá.
Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giữ chính sách tiền tệ mở rộng, duy trì lãi suất thấp để kích cầu tín dụng. |
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cũng tăng vọt, phát tín hiệu về cầu thanh khoản trong tháng 5. Cụ thể, trong tuần từ 20 - 24/5, lãi suất VND liên ngân hàng tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn tại hầu hết các phiên. Chốt ngày 24/5, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm là 5,15%/năm, tăng 1,20 điểm phần trăm; 1 tuần là 5,28%/năm, tăng 1,06 điểm phần trăm; 2 tuần là 5,35%/năm, tăng 0,95 điểm phần trăm; 1 tháng là 5,45%/năm, tăng 0,80 điểm phần trăm.
Đáng chú ý, lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh trong bối cảnh NHNN bơm ròng 99.165,27 tỷ đồng ra thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở, khối lượng tín phiếu NHNN lưu hành giảm xuống mức 52.790 tỷ đồng, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 97.971,3 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, VND mất giá khoảng 5%, bằng với mức dự báo cả năm. Đây là yếu tố bất ổn khiến NHNN phải đối phó nhiều nhất trong thời gian qua. Chính vì áp lực tỷ giá, NHNN phải phát hành tín phiếu gửi tín hiệu đến thị trường rằng chính sách tiền tệ không nới lỏng quá mạnh và sẽ thu hẹp lại.
Thị trường tài chính vô cùng nhạy cảm với lãi suất, đặc biệt là các loại lãi suất điều hành. Từ đầu năm đến nay, ngoại trừ lãi suất OMO tăng nhẹ, hầu hết lãi suất điều hành vẫn được giữ nguyên. Trong khi đó, trên thị trường dân cư, từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 20 ngân hàng tăng lãi suất huy động. Dù vậy, mặt bằng lãi suất huy động vẫn ở mức thấp lịch sử và không còn thực dương đáng kể so với lạm phát.
Chính sách tiền tệ sẽ ra sao?
Trong bối cảnh áp lực lên VND gần đây đang gia tăng, đã có những băn khoăn liệu điều này có thúc giục NHNN tăng lãi suất?
Từ đầu năm đến nay, NHNN vẫn kiên định chính sách tiền tệ nới lỏng. Tuy vậy, các chuyên gia phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán BSC dự báo, việc Fed chậm giảm lãi suất hơn dự kiến, VND mất giá mạnh và rủi ro khó đoán từ các cuộc xung đột địa chính trị trên thế giới (có thể dẫn đến rủi ro lạm phát chi phí đẩy) sẽ gây áp lực hơn cho việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng của Việt Nam.
Trong khi đó, Ngân hàng HSBC cho rằng, việc tăng lãi suất trong khi tăng trưởng tín dụng còn yếu, tăng trưởng kinh tế mới “chớm nở” có thể không tốt. Đây cũng không phải "liều thuốc tiên" để hỗ trợ cho đồng nội tệ.
Các chuyên gia phân tích của HSBC nhận định, Việt Nam tiếp tục chặng đường phục hồi không mấy bằng phẳng trong tháng 4, phần nào phản ánh mức độ bất ổn cao của môi trường toàn cầu. Điểm nhấn đáng khích lệ là xuất khẩu tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ nhóm hàng điện tử (tăng 20% so cùng kỳ). Tuy nhiên, một số nhà xuất khẩu đã ghi nhận những mối lo ngại bắt nguồn từ gián đoạn ở Biển Đỏ trong thương mại với châu Âu…
Còn Shinhan Bank dự báo, khi các nước phát triển lớn, trong đó có Mỹ, đã kết thúc đợt tăng lãi suất thì ở Việt Nam, NHNN có khả năng duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 là 15% và chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy mạnh triển khai, thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Các ngân hàng cũng đang nỗ lực giảm lãi suất cho vay, đơn giản hóa thủ tục... nhằm kích cầu tín dụng. Tuy vậy, do áp lực tỷ giá USD/VND tăng cao nên NHNN sẽ thận trọng hơn trong các chính sách cắt giảm lãi suất trong tương lai. Mặc dù đối mặt nhiều yếu tố rủi ro như giá dầu quốc tế tăng, giá lương thực tăng do biến đổi khí hậu, nhưng khả năng NHNN thay đổi lập trường chính sách tiền tệ là không cao.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định, trong năm 2024, NHNN sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng bởi 4 lý do.
Thứ nhất, nền kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, tác động đáng kể đến khả năng tăng trưởng của Việt Nam khi độ mở nền kinh tế nước ta ngày một lớn.
Thứ hai, lạm phát toàn cầu dự báo tiếp tục xu hướng giảm và lạm phát trong nước trong tầm kiểm soát (dưới 4%).
Thứ ba, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới dự kiến có thể giảm bớt thắt chặt chính sách tiền tệ (qua động thái hạ lãi suất điều hành) với mức độ giảm lãi suất có thể được tăng cường trong nửa cuối năm 2024.
Thứ tư, Chính phủ và NHNN tiếp tục ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Huyền Anh