Theo số liệu từ WiChart, hoạt động ngoại hối đem về cho các ngân hàng 7.477 tỷ đồng trong quý III, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, mảng kinh doanh này giúp các ngân hàng kiếm được 187.129 tỷ đồng, tăng 21,7%.
Kinh doanh ngoại hối phụ thuộc vào biến động tỷ giá
Trong quý III và 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần - nguồn thu chính của các ngân hàng, đã quay đầu giảm nhẹ so với cùng kỳ. Các nhà băng đã phải dựa vào các khoản thu ngoài lãi để duy trì tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận. Trong đó, mảng kinh doanh ngoại hối đóng góp lớn vào tăng trưởng lợi nhuận của nhiều ngân hàng.
Thu nhập từ mảng kinh doanh ngoại hối của ngân hàng tăng trưởng mạnh trong thời gian qua, nhưng khó duy trì sự ổn định do phụ thuộc rất lớn và những yếu tố bên ngoài mà ngân hàng khó kiểm soát. |
Trong thuyết minh báo cáo tài chính, hoạt động kinh doanh ngoại hối có 2 nguồn thu chủ yếu là kinh doanh ngoại tệ giao ngay và công cụ tài chính phái sinh tiền tệ. Ngoài ra, một số ngân hàng còn ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh vàng, nhưng không đáng kể.
Điển hình, theo báo cáo tài chính quý III/2023, nhìn chung lãi thuần của trong mảng kinh doanh này của các ngân hàng thuộc nhóm Big 4 (Vietcombank, BIDV, VietinBank hay Agribank) đều đến từ hoạt động kinh doanh ngoại tệ giao ngay.
Theo khảo sát của VnBusiness, xét về giá trị tuyệt đối, Vietcombank tiếp tục là quán quân lãi từ kinh doanh ngoại hối với số lãi đạt 4.768 tỷ đồng nhờ lợi thế đặc thù về hoạt động ngoại thương từ hàng chục năm qua. Song, sau 3 quý, mức tăng trưởng từ mảng này của Vietcombank khá khiêm tốn, chỉ tăng nhẹ 4,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, VietinBank ghi nhận lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng 42,8%, đạt 3.485 tỷ đồng; hoạt động kinh doanh ngoại hối của BIDV cũng có kết quả đột biến trong quý III, giúp lãi lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 3.140 tỷ đồng, tăng 56,1% so với cùng kỳ.
Một số ngân hàng tư nhân cũng ghi nhận lợi nhuận từ mảng kinh doanh ngoại hối tăng mạnh: ACB có lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng đến 98,7%, đạt 1.081 tỷ đồng; NCB tăng gấp gần 21 lần so với cùng kỳ năm trước, mang về 167 tỷ đồng; LPBank ghi nhận mức tăng 1.360%, đạt 369 tỷ đồng…
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định dù thu nhập từ mảng kinh doanh ngoại hối có tăng trưởng mạnh trong thời gian vừa qua, nhưng lại khó duy trì sự ổn định do phụ thuộc rất lớn và những yếu tố bên ngoài mà ngân hàng khó kiểm soát được, như diễn biến của lãi suất, thị trường cũng như động thái của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Vay ngoại tệ - "con dao hai lưỡi" với doanh nghiệp
Trong 3 quý đầu năm 2023, chênh lệch giữa giá mua và bán USD tại Vietcombank thường duy trì quanh ngưỡng 300 VND/USD hoặc cao hơn. Mức chênh lệch này tương đương với phần lớn thời gian trong năm 2022, nhưng cao hơn đáng kể so với năm 2021 (khoảng 200 VND/USD).
Sự gia tăng trong chênh lệch giá mua - bán này có thể lý giải phần nào cho mức lợi nhuận từ ngoại hối ngày càng cao của ngân hàng.
Ngoài ra, trong nửa đầu năm nay, NHNN cũng đã mua 6 tỷ USD để bổ sung dự trữ ngoại hối. Trong 2 quý đầu năm, có nhiều thời điểm giá USD mua vào của NHNN cao hơn so với giá mua vào của ngân hàng thương mại, tạo thêm một nguồn thu cho các ngân hàng, đặc biệt là nhóm Big 4.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital cũng lưu ý, việc ngân hàng lãi lớn từ kinh doanh ngoại hối không phải là điều đáng vui mừng, bởi khoản lãi này sẽ bù trừ cho những khoản lỗ mà doanh nghiệp khác phải chịu khi tỷ giá biến động.
Điển hình, Tập đoàn Vingroup là doanh nghiệp có dư nợ vay ngoại tệ lớn nhất trên sàn, chiếm khoảng một nửa tổng nợ vay. Cuối quý III, tổng dư nợ vay USD của Vingroup là 56.606 tỷ đồng bao gồm 7.970 tỷ đồng dư nợ đến hạn, đây đều là các khoản vay hợp vốn.
Hay như Tập đoàn Hòa Phát, thuyết minh báo cáo tài chính soát xét bán niên quý III cho thấy, doanh nghiệp vay nợ bằng cả VND và USD với tỷ trọng lần lượt là 78% và 22%, với dư nợ ngoại tệ khoảng 12.800 tỷ đồng. Vì vậy, ngoài việc phải chịu chi phí lãi vay, doanh nghiệp còn đối mặt với áp lực tỷ giá.
Tỷ giá USD/VND liên tục leo thang trong quý III, Hoà Phát lỗ ròng 176 tỷ từ chênh lệch tỷ giá, song đã giảm so với mức lỗ 1.012 tỷ cùng kỳ năm ngoái. 9 tháng đầu năm, Tập đoàn lỗ ròng 199 tỷ từ chênh lệch tỷ giá, cùng kỳ năm ngoái lỗ 2.224 tỷ.
Tương tự, tính tới ngày 30/9, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va ghi nhận vay từ bên thứ ba 7.063 tỷ đồng bằng USD, chủ yếu có mức lãi suất khoảng 6%/năm. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải trả thêm một khoản tiền đủ để đảm bảo cho bên cho vay nhận được IRR mục tiêu là 11,5%/năm hoặc 14%/năm tuỳ gói vay.
Novaland còn có khoản nợ vay gần 144 triệu USD với ngân hàng nước ngoài và trong nước.
9 tháng đầu năm, lãi vay phải trả của Novaland là 3.352 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tập đoàn còn phải chịu khoản lỗ chênh lệch tỷ giá 579 tỷ đồng khi đồng USD liên tục mạnh lên trong quý III.
Một chuyên gia nhận định, bên cạnh nguồn vay bằng VND thì các khoản vay bằng ngoại tệ như USD, Yên Nhật... trở nên hấp dẫn với doanh nghiệp vì lãi suất thấp, song nó cũng có thể là "con dao hai lưỡi" trong bối cảnh VND mất giá so với ngoại tệ.
Huyền Anh