Ngân hàng đua áp dụng công nghệ để xác thực thông qua nhận dạng khuôn mặt. (Ảnh: Int) |
Định danh khách hàng điện tử (eKYC) được xem là “giấy thông hành” để ngân hàng nâng cao sự cạnh tranh và chiếm thị phần ngân hàng số. Thực tế, những ngân hàng đang thí điểm áp dụng eKYC cũng đã gặt hái được những thành quả ban đầu với số lượng mở mới tài khoản cá nhân, số lượng khách hàng mới gia tăng nhanh chóng.
Mạnh ai nấy làm
Chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng đã có khoảng 10 ngân hàng thông báo ra mắt tính năng mới này, trong đó có thể kể đến VPBank, VietCapitalBank, TPBank, MB, MSB, VIB, SeABank và Sacombank… Dự báo từ nay đến cuối năm sẽ có thêm nhiều ngân hàng cung cấp ứng dụng eKYC cho khách hàng.
Dù áp dụng eKYC đang mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng, song tại diễn đàn ngân hàng số mới đây, lãnh đạo một số nhà băng thừa nhận, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước cho phép thí điểm eKYC đến nay, các ngân hàng chạy đua đầu tư công nghệ, nhưng thiếu cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu của khách hàng sẽ làm tiêu tốn và lãng phí nhiều nguồn lực.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho biết với định danh điện tử, trải nghiệm khách hàng sẽ tốt hơn và dễ dàng hơn, nhưng hiện mỗi ngân hàng có một cách định danh khách hàng điện tử khác nhau, cũng không liên kết hay chia sẻ với nhau. Các ngân hàng cũng tự làm chứ không qua nhà mạng nào.
Chuyên gia này lo lắng, khách hàng định danh ở ngân hàng này rồi sang ngân hàng khác vẫn định danh lại, có thể gia tăng khả năng xuất hiện nhiều tài khoản rác.
Đồng tình, ông Vũ Thành Trung, đại diện MB thừa nhận, có sự thiếu liên kết giữa các ngân hàng thời gian qua. “Ngân hàng nào cũng làm eKYC, khách hàng đã định danh ở ngân hàng A rồi sang ngân hàng B vẫn phải định danh lại. Điều này phát sinh chi phí cho ngân hàng mà lẽ ra nên là chi phí hỗ trợ khách hàng," ông Trung nói.
Thực tế, tại các quốc gia phát triển như châu Âu, khách hàng thực hiện eKYC ở một ngân hàng, thông tin dữ liệu sẽ được cập nhập trên hệ thống quốc gia và có thể thực hiện giao dịch tại bất kỳ ngân hàng nào.
Trên thực tế, hiện nay, Việt Nam cũng đã có cơ chế chia sẻ thông tin giữa các ngân hàng, nhưng hiện nay mới ở các thông tin tín dụng, thông qua Trung tâm thông tin tín dụng (CIC), và còn rất rời rạc. “Thực tế chưa có một tổ chức hay ngân hàng nào đủ khả năng quan sát tổng quan tài chính khách hàng”, ông Lực cho hay.
Liên kết chia sẻ thông tin khách hàng
Các chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý cần có hành lang pháp lý và cơ chế hợp tác giữa các ngân hàng mà trong đó eKYC chỉ là một cách.
Ông Lực gợi ý: “Vì sao các ngân hàng không thông qua một nhà mạng hay chia sẻ dữ liệu để tiết kiệm chi phí, nguồn nhân lực thay vì mạnh ai nấy làm như hiện nay?”.
Về vấn đề này, một số ngân hàng cho biết hành lang pháp lý đã cho phép các ngân hàng sử dụng một đối tác khác, ví dụ VNPT hay các đối tác có mạng lưới lớn đủ tiêu chuẩn để đứng ra định danh khách hàng.
Ông Phạm Anh Tuấn, ủy viên hội đồng quản trị Vietcombank, cho hay ngân hàng tận dụng lợi thế của fintech trong việc định danh khách hàng. Tuy nhiên điều ngân hàng băn khoăn nhất là hiện chưa có chuẩn chung cho định danh khách hàng điện tử.
"Trong các buổi họp với Ngân hàng Nhà nước chúng tôi đều đưa ra vấn đề này. Vì hiện nay eKYC của các ngân hàng chưa 'nói chuyện' được với nhau. Ngân hàng Nhà nước cần sớm ban hành chuẩn này chứ đừng để các ngân hàng định danh khách hàng rồi mới ban hành chuẩn chung như với thẻ ngân hàng", ông Tuấn nói.
Trước mắt, ông Tuấn cũng đề nghị các ngân hàng liên kết chia sẻ thông tin định danh khách hàng với nhau. "Vì sao giữa các ngân hàng không chia sẻ thông tin này khi chúng ta đã có cơ chế chia sẻ lịch sử tín dụng khách hàng qua CIC để có thể khai thác lẫn nhau và tiết kiệm chi phí", ông Tuấn nói thêm.
Về lâu dài các chuyên gia cho rằng cần có hành lang pháp lý rõ ràng cho bên thứ ba hoặc đối tác có mạng lưới đủ lớn, đủ uy tín để xác nhận định danh khách hàng. Một trong những giải pháp có thể nghĩ đến là thành lập liên minh định danh điện tử giữa các ngân hàng.
Mục đích sau cùng của việc định danh điện tử vì lo ngại thông tin không chuẩn, bị gian lận, vì vậy nếu có một liên minh thì việc triển khai eKYC sẽ thuận lợi hơn.
TH