Khách hàng trải nghiệm công nghệ định danh trực tuyến (eKYC) tại BIDV |
Năm 2020, nhiều ngân hàng xác định là năm bản lề của chuyển đổi số tại ngân hàng. Từ đầu năm đến nay hàng loạt nhà băng đã ra mắt các dịch vụ trải nghiệm ngân hàng số đến khách hàng như: BIDV, Vietcombank, HDBank, Vietinbank, Nam Á Bank..
Cơ hội cho ngân hàng tăng tốc chuyển đổi số
Theo các khảo sát được công bố gần đây của các công ty thanh toán quốc tế, thói quen thanh toán của người tiêu dùng đã thay đổi sau dịch Covid-19, vì vậy việc chuyển đổi số của các ngân hàng càng cần thiết hơn bao giờ hết.
BIDV vừa tổ chức lễ phát động chiến dịch chuyển đổi số nền khách hàng, với chủ đề “BIDV Digi Up - Thay đổi đổi để dẫn đầu”, trong đó giới thiệu nhiều dịch vụ hướng đến sự trải nghiệm của khách hàng như: khách hàng đeo kính thực tế ảo (VR) để xem các dự án giới thiệu tại ứng dụng BIDV Home, trải nghiệm công nghệ định danh trực tuyến (eKYC), khách hàng chủ động giao dịch và xác thực giao dịch bằng eKYC với máy đặt hàng (Self-Order), vay trực tuyến doanh nghiệp…
Theo BIDV, ngân hàng đang có nhiều tiềm năng để triển khai số hóa nền khách hàng với hơn 50% khách hàng cá nhân có độ tuổi từ 35 tuổi trở xuống. Hiện BIDV đã kết nối với hầu hết các công ty fintech, gần 1.000 nhà cung cấp dịch vụ để đưa ra thị trường hơn 1.600 dịch vụ thanh toán chi tiêu cho khách hàng...
Với những lợi thế lớn về khách hàng và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, cùng quyết tâm bứt phá để dẫn đầu trong hoạt động ngân hàng số, BIDV đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 80% lượng khách hàng tiếp cận và sử dụng các kênh số của BIDV.
Không chỉ có BIDV, nhiều ngân hàng đã tập trung nguồn lực để đẩy nhanh chuyển đổi số trên các mặt hoạt động: Xây dựng và phát triển đồng bộ các kênh phân phối hiện đại như: Internet Banking, Mobile Banking, SMS Banking, Web Chat, Facebook, Youtube… để thu hút người dùng.
Vietcombank vừa ra mắt dịch vụ ngân hàng số VCB Digibank, trên cơ sở hợp nhất các nền tảng giao dịch trực tuyến và thay thế các dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking trước đây. Theo Vietcombank, thay đổi này nhằm cung cấp các trải nghiệm liền mạch, thống nhất cho khách hàng trên máy tính cũng như thiết bị di động.
VietinBank cũng ra mắt phiên bản VietinBank iPay Mobile 5.1. Hay Nam A Bank đã ra mắt không gian giao dịch số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng, đồng thời đưa robot vào phục vụ khách hàng…
Đôi bên cùng có lợi
Có nhiều lý do ngân hàng chạy đua số hóa ở thời điểm này, đặc biệt khi dịch Covdi-19 bùng phát, xu hướng khách hàng sử dụng ngân hàng số ngày càng gia tăng. Điều này không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng mà cả khách hàng, nhất là tiết kiệm chi phí, bao gồm cả thời gian và tiền bạc.
Theo tìm hiểu của Thời báo Kinh doanh, cuộc đua công nghệ của các ngân hàng gần đây có thể còn nhằm đón đầu quy định mới sắp được Ngân hàng Nhà nước ban hành đó là cho phép các ngân hàng thương mại được quyết định gặp hoặc không gặp trực tiếp khách hàng khi lần đầu thiết lập mối quan hệ (eKYC).
Tuy nhiên, để cung cấp được dịch vụ này, các ngân hàng phải đầu tư công nghệ để tăng trải nghiệm khách hàng và đó là lý do vì sao gần đây các ngân hàng chạy đua để ra mắt dịch vụ ngân hàng số, nâng cấp app thành siêu ứng dụng.
Mới đây một số ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép thí điểm mở tài khoản cho khách hàng từ xa thay vì phải đến các phòng giao dịch của ngân hàng.
HDBank cho biết vừa chính thức triển khai eKYC trên ứng dụng Mobile Banking, hỗ trợ khách hàng giao dịch trực tuyến nhanh chóng, an toàn, mà không cần trực tiếp đến ngân hàng.
Theo đó, khi tải ứng dụng Mobile Banking của HDBank, khách hàng có thể đăng ký mở tài khoản iMoney và eKYC thành công với vài thao tác đơn giản. Ứng dụng sẽ tự nhận dạng các thông tin và hình ảnh của khách hàng trên giấy tờ tùy thân (CMND hoặc Căn cước công dân còn hạn) so với hình chụp để hoàn tất thủ tục định danh trực tuyến trên nền tảng Mobile Banking.
Tương tự, VPBank cũng áp dụng giải pháp eKYC cho phép định danh khách hàng 100% online dựa vào các thông tin sinh trắc học mà không cần gặp mặt trực tiếp như quy trình hiện tại. Từ đó, khách hàng được mở tài khoản thanh toán 100% online để thực hiện giao dịch ngay như chuyển khoản, thanh toán hóa đơn, nạp tiền dịch vụ, liên kết ví điện tử… với hạn mức nộp tiền tối đa 10 triệu đồng/ngày.
Lãnh đạo các ngân hàng ví von eKYC như "tấm vé gửi xe" cho các ngân hàng làm số hóa, vì khi đó khách hàng có thể mở tài khoản và sử dụng ngay để có thể giao dịch các dịch vụ ngân hàng trên ứng dụng (app).
HDBank cho biết, sau khi thông tin định danh được cập nhập trên hệ thống HDBank Mobile Banking, khách hàng có thể giao dịch trực tuyến với nhiều tính năng như thanh toán hóa đơn và QR Pay, nạp tiền điện thoại, đặt vé máy bay, vé tàu, đặt phòng khách sạn, liên kết ví điện tử...
Đại diện VPBank cho biết, ngân hàng đã xây dựng một nền tảng công nghệ sinh trắc học toàn diện, kết hợp với công nghệ trí tuệ nhận tạo (AI) và chữ ký điện tử (eSignature). Những tiến bộ công nghệ này sẽ được ứng dụng vào nhiều sản phẩm hơn trong tương lai như quy trình bán thẻ tín dụng và cho vay.
Thanh Hoa