Giới chuyên môn cho rằng, trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm tăng nhanh như hiện nay và các thị trường đầu tư khác rơi vào tình trạng điều chỉnh, người dân có xu hướng gửi tiết kiệm có kỳ hạn để hưởng lãi suất cao thay vì để tiền nhàn rỗi và chờ đợi cơ hội mới.
CASA nhiều ngân hàng giảm mạnh
Thực tế, có một “cuộc đua” về tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) âm thầm giữa các ngân hàng vài năm gần đây. Việc gia tăng tiền gửi không kỳ hạn giúp các ngân hàng huy động được nguồn vốn rẻ, tiết giảm chi phí đầu vào, từ đó cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, nhất là trước áp lực giảm lãi vay hỗ trợ khách hàng, CASA càng trở thành một trong những chỉ tiêu được các ngân hàng quan tâm đặc biệt.
Từ đầu tháng 11, VPBank tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn áp dụng với khách hàng cá nhân lên mức trần theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là 1%/năm. |
Tuy nhiên, gần đây CASA trên tổng tiền gửi của nhiều ngân hàng đang chững lại. Theo báo cáo tài chính quý III/2022 của các ngân hàng, lượng tiền gửi không kỳ hạn giảm mạnh so với đầu năm.
Điển hình tại TPBank, dù tiền gửi khách hàng tăng mạnh 16,6% trong 9 tháng qua nhưng lượng tiền gửi không kỳ hạn lại giảm 13,1% khiến tỷ lệ CASA của ngân hàng giảm khá mạnh xuống còn 17,3%, từ mức 23,3% hồi đầu năm.
Một số thành viên khác cũng ghi nhận tỷ lệ tiền gửi này giảm mạnh bao gồm LienVietPostBank giảm 3,8 điểm %, BacABank giảm 3,5 điểm %, Saigonbank giảm 3,1 điểm %, VPBank giảm 3 điểm %,…
Đáng lưu ý, những ngân hàng đứng đầu về tỷ lệ CASA cũng ghi nhận lượng tiền gửi không kỳ hạn sụt giảm khá mạnh trong 9 tháng qua. Dù vẫn trụ vững ở mức cao 46,5% nhưng CASA quý III của Techcombank đã ghi nhận sự sụt giảm so với dấu mốc kỷ lục hơn 50% của quý I/2022. Tính chung tỷ lệ CASA của ngân hàng giảm 6,7% so với đầu năm.
Tương tự, tại MB, lượng tiền gửi không kỳ hạn cũng đã “hụt” mất hơn 16 nghìn tỷ đồng, tương đương 9,5%. Tỷ lệ CASA của ngân hàng theo đó cũng giảm 3,4 điểm %, xuống còn 41,6%.
Giới phân tích tài chính nhận định, CASA của ngân hàng sẽ khó giữ phong độ như trước. Nguyên nhân dòng tiền đang có xu hướng quay trở lại ngân hàng khi các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, tiền ảo... không mấy sáng sủa, thay vì để tiền trong tài khoản thanh toán chờ cơ hội lướt sóng như trước, nhiều người lựa chọn tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn nhằm gia tăng lợi nhuận, nhất là khi lãi suất tiền gửi tăng.
Một thực tế là trước đây, để hút tiền gửi không kỳ hạn, Techcombank đã đi đầu trong việc thực hiện chính sách miễn phí hàng loạt giao dịch trực tuyến, thì nay đã được các ngân hàng áp dụng. Đồng thời các ngân hàng đã có nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn để tăng lượng khách hàng sử dụng ngân hàng số. Do đó, sự canh tranh ngày càng gay gắt giữa các ngân hàng, theo đó lượng tiền gửi không kỳ hạn cũng được phân bổ cho các ngân hàng khác.
Cuộc đua CASA thêm “nóng”
Trước tình trạng CASA sụt giảm, mới đây một số ngân hàng đã tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên “kịch trần”. Điển hình là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa công bố tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn áp dụng với khách hàng cá nhân lên mức trần theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là 1%/năm, áp dụng từ 1/11/2022.
Cụ thể, khách hàng cá nhân có số dư tiền gửi bình quân dưới 100 triệu đồng trên tài khoản thanh toán sẽ hưởng lãi suất không kỳ hạn 0,2%/năm; số dư tiền gửi bình quân từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng sẽ hưởng lãi suất 0,5%/năm.
Khách hàng cá nhân có số dư tiền gửi bình quân từ 500 triệu đồng trở lên trong tài khoản thanh toán sẽ được hưởng lãi suất không kỳ hạn “kịch trần” với mức 1%/năm.
Ngoài VPBank, một ngân hàng lớn khác cũng vừa tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên 1%/năm, đó là Techcombank. Mức lãi suất này được Techcombank áp dụng từ 5/11.
Theo đại diện VPBank, khoản lãi suất không kỳ hạn này sẽ được trả vào tài khoản của khách hàng theo định kỳ hàng tháng, dựa trên số dư tiền gửi bình quân mỗi tháng của khách hàng tại tài khoản thanh toán. Khách hàng duy trì số dư trên tài khoản thanh toán càng nhiều, lãi suất sẽ càng cao.
Theo khảo sát của VnBusiness, ngoài 2 nhà băng trên thì hiện lãi suất tiền gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng đang dao động trong khoảng 0,1 – 0,5%/năm. Trong đó, 3 ngân hàng thương mại nhà nước Vietcombank, BIDV và VietinBank giữ ở mức thấp nhất là 0,1%/năm. MB và Agribank áp dụng mức cao hơn 0,5%/năm.
Trước đó, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của đa số ngân hàng thương mại áp dụng mức rất thấp, dao động mức 0,02 - 0,2%. Mức 0,2%/năm cũng là mức trần với tiền gửi này trước thời điểm 23/9.
Với động thái trên của VPBank và Techcombank, dự kiến sẽ kích hoạt cuộc đua CASA thời gian tới bằng việc nhiều ngân hàng khác sẽ cùng tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn.
TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng các ngân hàng cần rất nhiều nỗ lực để có thể thu hút CASA. Trong cuộc đua ngày càng khốc liệt này, các ngân hàng phải tìm cho mình “lối đi riêng”.
Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đã nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ giá trị gia tăng khác gắn với tài khoản tiền gửi thanh toán. Do đó, để thu hút khách hàng, ngân hàng nên tăng cường liên kết cùng các trang thương mại điện tử, khuyến khích khách hàng thanh toán qua ứng dụng ngân hàng.
Đặc biệt, cần đi sâu vào phân khúc khách hàng ở lĩnh vực thế mạnh và thiết kế sản phẩm dịch vụ đáp ứng được nhu cầu của khách hàng trong các lĩnh vực trọng tâm này. Bởi khi sản phẩm, dịch vụ bám sát nhu cầu của khách hàng thì sẽ được đón nhận và sử dụng nhiều hơn, kéo theo các hoạt động thanh toán hàng ngày cũng như các hoạt động khác gia tăng, từ đó thúc đẩy CASA tăng theo.
Huyền Anh