Theo đánh giá của các chuyên gia, không loại trừ khả năng có thêm những đợt bùng phát dịch Covid-19 có thể khốc liệt hơn. Vì vậy, cần thiết có gói kích thích, hỗ trợ phục hồi kinh tế đủ lớn và đủ dài để giúp người dân và doanh nghiệp vượt qua cơn “bạo bệnh”. Theo tính toán của các chuyên gia, gói hỗ trợ phải có quy mô khoảng 5,5-8% GDP, tức khoảng 445.760-666.000 tỷ đồng
Hiến kế để phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2022, các chuyên gia đã đưa ra rất nhiều đề xuất về gói hỗ trợ kinh tế, quan điểm chung là cần phải nâng quy mô và kéo dài các gói hỗ trợ này.
Bên cạnh các gói hỗ trợ, các chuyên gia kiến nghị cần tiếp tục giảm lãi suất cho vay thêm 0,5-1% trong năm 2022. |
Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, đại diện nhóm nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Kinh tế, dự báo, triển vọng kinh tế năm 2022 sẽ tương đối khó khăn, GDP có thể chỉ tăng 4-4,5%, lạm phát tăng 3,4-3,7%.
Gợi ý chính sách tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển, ông Lực kiến nghị gói chính sách tiền tệ sẽ có giá trị thực tế khoảng 389.200 tỉ đồng, tương đương 4,79% GDP năm 2021 (nhóm chuyên gia đã ước tính GDP năm 2021). Trong đó, có tới 150.000 tỉ đồng được gợi ý đầu tư cho cơ sở hạ tầng.
Cùng với đó, cần phấn đấu giảm thêm 0,5-1% lãi suất cho vay bình quân trong năm 2022 và duy trì ổn định trong năm 2023.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đề xuất tín dụng quy mô 1 triệu tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất 2%, kéo dài 2 năm, tổng vốn là 40.000 tỷ đồng, tập trung ưu tiên ngành có khả năng hấp thụ vốn.
Cũng đồng tình phải có gói hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực hơn, nhóm nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đề xuất gói hỗ trợ doanh nghiệp khoảng 244.000 tỷ đồng. Căn cứ của mức đề xuất này là tính đến tháng 10/2021, Chính phủ đã miễn, giảm, giãn 95.000 tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, miễn, giảm 27.000 tỷ đồng tiền lãi cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Như vậy, tổng hỗ trợ đã thực hiện là 122.000 tỷ đồng.
"Nhà nước có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Bởi không có doanh nghiệp thì không có thuế, không có doanh nghiệp thì ngân hàng thương mại chơi với ai"
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Đại diện nhóm nghiên cứu, PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: “Sắp tới, để đảm bảo tính khả thi, các chính sách hỗ trợ có thể tiếp tục cố gắng duy trì được mức này trong 2 năm 2022-2023. Lộ trình giải ngân 122.000 tỷ đồng/năm trong 2 năm 2022-2023, tổng gói hỗ trợ là 244.000 tỷ đồng”.
àn sâu hơn về câu chuyện tiền đâu cho gói hỗ trợ, tại Diễn đàn kinh tế 2021 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức cuối tuần qua, các chuyên gia cho rằng, nên huy động vốn trong nước và để tạo không gian thực thi gói hỗ trợ nên đặt mức lạm phát mục tiêu bình quân 3-5 năm thay vì "cứng" hằng năm.
Về nguồn lực và huy động nguồn lực, ông Lực cho rằng nguồn lực lớn nhất là từ phát hành trái phiếu Chính phủ để huy động 220.060 tỷ đồng; tiếp đến là đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước để thu về 80.000 tỷ đồng; sử dụng bảo hiểm tiền gửi, bảo hiểm xã hội để mua trái phiếu Chính phủ 51.100 tỷ đồng; tiết giảm chi phí 29.200 tỷ đồng; rà soát các quỹ ngoài ngân sách 20.000 tỷ đồng; thậm chí sử dụng một phần dự trữ ngoại hối (nếu cần).
“Như vậy, Việt Nam sẽ phải huy động nguồn lực khoảng hơn 455.000 tỷ đồng, tương đương hơn 5% GDP trong 2 năm tới.
Đồng tình với quan điểm huy động từ nguồn lực trong nước, ông Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho rằng: "Khả năng huy động nguồn vốn tài chính trong nước vẫn khá dồi dào khi mà lãi suất trái phiếu Chính phủ quanh mức 2,09%/năm đối với kỳ hạn 10 năm”. Theo đó, vị chuyên gia này cho rằng: “Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể xem xét mua trái phiếu Chính phủ trực tiếp và gián tiếp. Chẳng hạn, trên thị trường sơ cấp, nhà điều hành có thể dùng tiền cung ứng hoặc tiền gửi của các ngân hàng, gồm tiền gửi dự trữ bắt buộc hay tiền gửi thanh toán để mua trái phiếu Chính phủ”.
Cách này theo ông Phước, vừa là hành động hỗ trợ ngân sách, vừa nắm công cụ điều hành tiền tệ khi vừa có thể bơm tiền (mua trái phiếu Chính phủ) và hút tiền (bán trái phiếu Chính phủ) cho các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, các chuyên gia kiến nghị, NHNN nên tiếp tục kéo dài chính sách cơ cấu nợ theo Thông tư 14 đến cuối năm 2022, do đây là chính sách tạo điều kiện cho người vay tiếp cận vốn của các nhà băng; giữ nguyên tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn; linh hoạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 13-14% trong năm 2022-2023…
Trước những kiến nghị này, ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc NHNN cho biết, với góc độ thanh khoản cho nền kinh tế, trong 2 năm qua, cung ứng tiền NHNN đã thể hiện việc hỗ trợ rất lớn cho nền kinh tế. Đơn cử, NHNN đã mua thêm gần 25 tỷ USD ngoại tệ trong 2 năm qua, tương ứng với lượng tiền đồng bơm ra nền kinh tế.
Bên cạnh đó, NHNN đã duy trì thanh khoản tốt trên thị trường liên ngân hàng để hỗ trợ cho tổ chức tín dụng khi cần hỗ trợ vốn.
Đối với thanh khoản cho doanh nghiệp, các thông tư mới đây của NHNN đã cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp. Về bản chất đây là kéo dài dòng tiền và duy trì thanh khoản cho các doanh nghiệp với điều kiện các ngân hàng phải đánh giá được khả năng trả nợ. Đồng thời, các ngân hàng cũng đã miễn giảm lãi suất cho các khoản vay cũ và mới và sẽ duy trì chính sách này để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp.
Thanh Hoa