Dự kiến, tuần này VNPT sẽ nộp hồ sơ xin thử nghiệm cung cấp dịch vụ Mobile Money lên Ngân hàng Nhà nước. |
Mảng thanh toán vốn là "sân chơi" của các ngân hàng và công ty fintech. Tuy nhiên, vài năm gần đây doanh nghiệp viễn thông cũng đã nhòm ngó đến mảng này.
Nguyên nhân được cho là Việt Nam đang đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, trong khi đó số lượng người dân sử dụng phương thức thanh toán online vẫn còn rất thấp. Vì vậy, nếu "bước chân" vào mảng dịch vụ này sẽ hứa hẹn đem lại nguồn doanh thu mới trong bối cảnh thị trường dịch vụ viễn thông truyền thống hiện đã bão hòa.
Nhà mạng thu về nghìn tỷ mỗi tháng
Thực tế, năm ngoái khi Việt Nam có chủ trương cho thí điểm triển khai Mobile Money (tiền di động), 3 "ông lớn" trong ngành viễn thông là Viettel, VNPT và Mobifone đã gấp rút triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực... để sẵn sàng cung cấp dịch vụ khi Chính phủ "bấm nút" thông qua.
Ngày 9/3 vừa qua Thủ tướng đồng ý cho thử nghiệm Mobile Money trong vòng 2 năm. Theo quy định, nhà mạng sẽ phải chuẩn bị hồ sơ xin thử nghiệm dịch vụ Mobile Money để gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN), sau đó cơ quan này xem xét, lấy ý kiến các bộ ngành liên quan như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, rồi mới có quyết định đồng ý cấp phép thử nghiệm cho nhà mạng. Khi đó doanh nghiệp viễn thông mới bắt đầu được triển khai dịch vụ.
Đây là thông tin không chỉ giới tài chính ngân hàng, công ty fintech, mà các nhà mạng viễn thông đặc biệt vui mừng.
Chia sẻ của 3 nhà mạng Viettel, VNPT và Mobifone, từ cuối năm ngoái đã chuẩn bị đầy đủ về hạ tầng kỹ thuật, đào tạo, huấn luyện cho bộ phận phụ trách về nạp thẻ, thanh toán, giải pháp định danh và xác thực điện tử khách hàng… sẵn sàng để khách hàng đăng ký và phát triển các dịch vụ nạp thẻ, thanh toán để chính thức cung cấp dịch vụ.
Theo ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền thông VNPT, dự kiến, tuần này VNPT sẽ nộp hồ sơ xin thử nghiệm lên Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tổng công ty Viễn thông MobiFone dự kiến khoảng 2 tuần nữa sẽ nộp hồ sơ. Còn nhà mạng Viettel cũng cho biết, đơn vị này cũng đã sẵn sàng thử nghiệm dịch vụ và đáp ứng tất cả các yêu cầu mà Thủ tướng Chính phủ đề ra.
Ở góc độ tiềm năng và kỳ vọng vào thị trường hoàn toàn mới mẻ này đối với các doanh nghiệp viễn thông, lãnh đạo một nhà mạng cho biết, chỉ cần 20-30% trong tổng số khoảng 130 triệu thuê bao điện thoại di động hiện nay sử dụng dịch vụ với hạn mức tối đa (10 triệu đồng) thì lượng tiền luân chuyển qua "kênh" Mobile Money có thể lên tới hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Đơn cử như với Viettel, đến năm 2021 dự kiến có khoảng 26 triệu thuê bao sử dụng dịch vụ Mobile Money. Trong đó riêng dịch vụ thanh toán (với các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ) với mức chi tiêu trung bình qua kênh này là 300.000 đồng/thuê bao/tháng.
Như vậy, mức chi tiêu trung bình dịch vụ Mobile Money (chỉ riêng dịch vụ thanh toán) của Viettel vào năm 2025 sẽ rơi vào khoảng 7.000 – 8.000 tỷ đồng/tháng.
Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Theo thống kê của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết năm 2020, Việt Nam đang có 132,5 triệu thuê bao di động đang hoạt động. Như vậy, đối chiếu với thực tế, số lượng tài khoản sử dụng dịch vụ Mobile Money tại Việt Nam có thể lên đến hàng chục triệu khi được triển khai.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán, NHNN cho biết, việc triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money nhằm góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Cũng theo ông Dũng, tài khoản Mobile Money chỉ được thanh toán cho các giao dịch nội địa, không áp dụng cho các dịch vụ mua bán hàng hóa, dịch vụ ở nước ngoài. Hạn mức giao dịch tối đa là 10 triệu đồng/tháng.
Riêng số tiền được nạp vào tài khoản Mobile Money không bị khống chế. Để chuyển tiền vào tài khoản Mobile Money, khách hàng có thể nạp tiền mặt vào tài khoản Mobile Money tại các điểm kinh doanh của doanh nghiệp tham gia thí điểm dịch vụ này.
Ngoài ra, có thể nạp tiền từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng hoặc từ ví điện tử của khách hàng tại chính doanh nghiệp thực hiện thí điểm dịch vụ.
"Các cá nhân có tài khoản ngân hàng hay ví điện tử cũng có thể chuyển tiền từ các tài khoản này sang tài khoản Mobile Money. Chủ tài khoản Mobile Money cũng có thể nhận tiền từ tài khoản Mobile Money khác. Việc đa dạng kênh để nạp tiền vào tài khoản Mobile Money nhằm gia tăng tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng", ông Dũng nói.
Đồng thời, đại diện NHNN cho biết, khách hàng có thể rút tiền mặt từ tài khoản Mobile Money tại các điểm kinh doanh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này.
Để đảm bảo dịch vụ Mobile Money được sử dụng đúng mục đích, theo quy định, các doanh nghiệp không được thực hiện thí điểm cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Money, trả lãi trên số dư tài khoản Mobile Money hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên tài khoản Mobile Money so với giá trị tiền khách hàng đã nạp vào tài khoản Mobile Money...
Huyền Anh