Cụ thể, ngân hàng thương mại phải chủ động cân đối, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn và mở rộng thêm hạn mức tín dụng đã cấp cho thương nhân, doanh nghiệp để có nguồn vốn thu mua tạm trữ thóc, gạo và nâng diện tích, chất lượng kho chứa, bảo quản, chế biến thóc, gạo, góp phần giảm thiểu tình trạng ách tắc trong lưu thông, tồn ứ thóc gạo hiện nay tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực, gây ách tắc và làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, phân phối, lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu thóc, gạo. |
Đồng thời, phải đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng phù hợp; chủ động làm việc trực tiếp với các thương nhân, doanh nghiệp để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, thương nhân tiếp cận vốn phục vụ thu mua tạm trữ thóc, gạo. Tuy nhiên, việc cho vay đảm bảo các nguyên tắc tín dụng hiện hành, quản lý được dòng tiền và thu hồi nợ.
Song song đó, tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015, Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn số 10/2015/TT-NHNN ngày 22/7/2015, Thông tư 25/2018/TT-NHNN ngày 24/10/2018 và Công văn số 7378/NHNN-TD ngày 01/10/2018 của NHNN về cho vay kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó chú trọng cho vay các mô hình chuỗi liên kết thóc, gạo từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng, trong đó có các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thóc, gạo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi, phí, cho vay mới khôi phục sản xuất, kinh doanh…
Với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo thực hiện ngay 4 giải pháp.
Thứ nhất, chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn cân đối, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn và mở rộng thêm hạn mức tín dụng đã cấp cho thương nhân, doanh nghiệp để có nguồn vốn thu mua tạm trữ thóc, gạo và nâng diện tích, chất lượng kho chứa, bảo quản, chế biến thóc, gạo theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN; không để xảy ra tình trạng ách tắc, ứ đọng thóc, gạo do thiếu vốn tín dụng.
Thứ hai, phải bám sát diễn biến, tình hình thị trường và việc cho vay thu mua tạm trữ thóc, gạo của các ngân hàng thương mại trên địa bàn để kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Thống đốc NHNN các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.
Thứ ba, tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng, trong đó có các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thóc, gạo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi, phí, cho vay mới khôi phục sản xuất, kinh doanh…
Thứ tư, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp trên địa bàn nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Nhà nước, các quy định của ngân hàng thương mại về cho vay phục vụ sản xuất, thu mua, tạm trữ, xuất khẩu thóc, gạo và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của ngành ngân hàng.
Thanh Hoa