Thời điểm cuối năm 2021, một số ngân hàng có động thái tăng lãi suất huy động, thậm chí thị trường đã xuất hiện mức lãi suất tiết kiệm trên 10%/năm. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng tăng gần gấp đôi so với đầu tháng 12, dao động từ 1,34 - 3,37%/năm.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB cho hay, ngân hàng chỉ điều chỉnh lãi suất tiền gửi tăng ở một vài kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng do giai đoạn trước ở mức thấp; còn mặt bằng chung của lãi suất huy động không thay đổi nhiều và chưa phải xu hướng để tạo sức ép lên thị trường.
Mặt bằng lãi suất huy động dự báo tăng trong năm nay. |
Tuy nhiên, bước sang năm 2022, một số công ty chứng khoán cũng như các chuyên gia nhận định, mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường sẽ tăng nhẹ ngay trong tháng đầu năm do cận Tết Nguyên đán là cao điểm các doanh nghiệp rút tiền để chi trả lương, thưởng cho cán bộ, nhân viên và thanh toán các khoản đang còn tồn đọng. Vì vậy, một số ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng nhẹ biểu lãi suất huy động với khách hàng cá nhân, còn mặt bằng lãi suất huy động với tổ chức kinh tế không có nhiều biến động.
Trong dự báo mới nhất về thị trường tiền tệ năm 2022, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, áp lực lạm phát khi giá nhiều loại nguyên vật liệu đã và đang có xu hướng tăng mạnh cùng triển vọng mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế có thể sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải tăng lãi suất huy động.
Tuy nhiên, NHNN nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất huy động ở mức mềm mỏng hơn để vẫn có thể hỗ trợ cho sự hồi phục của nền kinh tế, trước những rủi ro tiềm ẩn từ đại dịch COVID-19.
BVSC dự báo mặt bằng lãi suất năm 2022 khó giảm thêm so với cuối năm 2021 và nhiều khả năng tăng nhẹ trở lại (quanh 0,25%-0,5%), nhất là trong nửa cuối của năm 2022.
Báo cáo chiến lược năm 2022 của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, lãi suất huy động trong năm nay sẽ tăng nhẹ so với năm 2021 nhưng vẫn thấp hơn giai đoạn 2015 - 2019.
Tương tự, chuyên gia phân tích tại VNDirect cũng đánh giá, lãi suất tiền gửi sẽ khó duy trì ở mức thấp, do nhu cầu huy động vốn tăng dựa trên tín dụng tăng, áp lực lạm phát trong năm 2022, sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn như bất động sản và chứng khoán.
Do đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại sẽ tăng lên mức 5,9%-6,1%/năm vào cuối năm 2022 nhưng vẫn thấp hơn mức 6,8%/năm trước giai đoạn dịch bệnh.
Dự báo về xu hướng lãi suất huy động trong thời gian tới, lãnh đạo một ngân hàng thương mại có vốn nhà nước cho rằng, còn phụ thuộc vào tình hình dịch COVID-19. Nếu dịch COVID-19 được khống chế hoàn toàn, lãi suất huy động có thể tăng nhẹ do nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh tăng lại bình thường. Ngược lại, nếu diễn tiến dịch COVID-19 vẫn phức tạp sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, do vậy lãi suất huy động cũng sẽ khó tăng được.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng bước qua năm 2022, lãi suất huy động có thể tăng nhẹ do áp lực lạm phát khi nhu cầu vốn tăng sau khi nền kinh tế phục hồi. Thế nhưng, lãi suất cho vay cơ bản ổn định theo định hướng chung của Chính phủ và NHNN để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội. Lãi suất điều hành (tái cấp vốn) của NHNN hiện nay là 4% và theo ông Lực, mức này không nên giảm nữa nếu không muốn đánh tín hiệu lãi suất tiền gửi giảm, ảnh hưởng tới tiền gửi trong dân cư
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, điều hành lãi suất trong năm nay tiếp tục theo hướng ổn định, các ngân hàng thương mại bằng nguồn lực của mình tiếp tục hạ lãi suất cho vay, cộng với hỗ trợ từ Chương trình phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế của Chính phủ sẽ tạo hiệu ứng chung để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt những lĩnh vực khó khăn, lĩnh vực cần ưu tiên.
Thanh Hoa