Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, bà Hoàng Huyền Trâm, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, Chi nhánh sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các quận, huyện, sở, ngành liên quan để đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực công, dịch vụ công; chỉ đạo các ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ triển khai hình thức thanh toán qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử...
Tăng nhanh cả về số lượng và giá trị giao dịch
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hà Nội, số lượng ví điện tử đã kích hoạt đến nay đã vượt 39 triệu tài khoản, tăng 3,68% so với cuối năm 2021. Tổng số lượng giao dịch bằng ví điện tử được xử lý thành công đạt 583,8 triệu đơn vị, tương đương giá trị khoảng 271.360 tỷ đồng.
Hiện nay, khoảng 70% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại tổ chức tín dụng, khoảng 5,5 triệu tài khoản thanh toán và 8 triệu thẻ mở bằng hình thức định danh eKYC đang hoạt động, gần 1,77 triệu tài khoản Mobile Money được kích hoạt (67,2% được mở tại khu vực vùng sâu, vùng xa, hải đảo, nông thôn, biên giới…).
Thanh toán không dùng tiền mặt đang có xu hướng bùng nổ tại Hà Nội |
Tại sự kiện Tiêu dùng không dùng tiền mặt do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) và Sở Công Thương Hà Nội tổ chức mới đây, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thanh toán không dùng tiền mặt đã và đang tăng nhanh tại Hà Nội. Đáng lưu ý, các sự kiện không dùng tiền mặt được triển khai thời gian qua đã thu hút hàng triệu lượt khách hàng trải nghiệm, mua sắm tại các điểm khuyến mại, địa điểm thanh toán không dùng tiền mặt.
Điển hình, sự kiện không dùng tiền mặt năm 2020, 2021 thu hút 150.000 lượt tiếp cận và 12.000 lượt tương tác tại fanpage Facebook của sự kiện.
Các doanh nghiệp tham gia sự kiện có tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt đạt trên 30%, tổng số lượng giao dịch được thực hiện qua trung gian thanh toán ShopeePay tăng trên 11%; Sự kiện Hà Nội đêm không ngủ HaNoi Midnight sale thu hút 200 đơn vị tham gia với gần 3.000 chương trình khuyến mại, tổng giá trị gần 20.000 tỷ đồng.
Các sàn thương mại điện tử đã có lượng truy cập tăng từ 180% - 250% so với ngày thường. Các hệ thống trung tâm thương mại lớn có doanh thu và lượng khách đến tham quan, mua sắm tăng từ 200% - 220%, lượng truy cập website, ứng dụng di động mua sắm tăng gần gấp 3 lần so với các ngày trong tuần.
Nghiên cứu về thái độ thanh toán của người tiêu dùng do Công ty VISA công bố đầu tháng 6/2022 củng cố thêm nhận định thanh toán không dùng tiền mặt đang tăng nhanh của các chuyên gia. Theo đó, 65% người tiêu dùng Việt cho biết họ mang ít tiền mặt hơn trong ví và 32% khẳng định sẽ ngưng sử dụng tiền mặt sau đại dịch. Tính đến nay, gần 76% người tiêu dùng đang sử dụng ít nhất một dịch vụ ví điện tử và tỷ lệ người sử dụng thẻ còn cao hơn (82%).
Lợi ích không chỉ với người tiêu dùng
Việc hàng loạt nhà cung cấp dịch vụ thanh toán thông báo lượng khách đến mua sắm, đăng ký dịch vụ tại các sự kiện không dùng tiền mặt thời gian qua đều ghi nhận tăng trưởng mạnh là tín hiệu tích cực cho thấy hoạt động thanh toán không tiền mặt đang nhận được nhiều quan tâm.
Gia đình chị Lê Thu Châu (Linh Đàm, Hà Nội) giờ đây đã quen với thanh toán không dùng tiền mặt. Các khoản chi tiêu như tiền điện thoại, tiền điện, tiền nước, tiền đóng học phí... sau khi nhận được thông báo từ nhà cung cấp đều được gia đình chị thanh toán qua chuyển khoản. Thông báo về việc đã hoàn tất thanh toán cũng được các nhà cung cấp dịch vụ gửi lại ngay sau đó.
“Thói quen thanh toán không dùng tiền mặt đã ngấm dần vào gia đình từ lúc nào”, chị Châu chia sẻ và cho biết, cùng với các loại chi phí cố định hàng tháng, nhiều chi phí khác cũng được chị thanh toán qua chuyển khoản như mua sắm hàng hóa trên sàn thương mại điện tử, mua quần áo tại cửa hàng và thậm chí đi uống cà phê với bạn bè.
Sở hữu 2 tài khoản ngân hàng khác nhau và 2 ví điện tử, cô sinh viên năm 4 Lê Thanh Trà (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Em đã quên thói quen cầm ví tiền mỗi khi ra ngoài. Tất cả chỉ cần chiếc điện thoại có 4G". Trà cho biết thường “săn” các chương trình khuyến mại hoặc hoàn tiền trên các app thanh toán điện tử. Không chỉ mua được các sản phẩm rẻ, Trà còn được trải nghiệm nhiều dịch vụ tiện ích liên quan đến thanh toán một chạm.
Để thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn TP. Hà Nội tiếp tục tăng trưởng nhanh, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hà Nội khuyến khích các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa dịch vụ triển khai mạnh mẽ các loại hình thanh toán mới hiện đại.
Đồng thời có các hình thức động viên, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị bán lẻ triển khai thực hiện thanh toán dịch vụ bán lẻ bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận và sử dụng các hình thức bán hàng trực tuyến.
Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt tỷ lệ 45%; các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử đạt 65%, trên các website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến đạt 75%...
“Sự kiện không dùng tiền mặt năm 2022 góp phần tạo thói quen tiêu dùng không tiền mặt khi giao dịch và mua sắm, tạo thêm động lực để các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển hoạt động thương mại điện tử tạo thuận lợi cho khách hàng khi mua sắm, thanh toán và là đòn bẩy kích cầu tiêu dùng. Đồng thời, góp phần hoàn thành chỉ tiêu tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ của thành phố, giữ vững xếp hạng từ thứ 2 trở lên so với cả nước về Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) hằng năm”, bà Lan tin tưởng.
Thanh Hoa