Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm 2022, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt bằng quét mã QR tăng 86%.
Đi chợ không cần tiền mặt
Thị trường Fintech (công nghệ tài chính) thực sự bùng nổ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, việc tương tác xã hội bị hạn chế dẫn đến lượng người dùng dịch vụ tài chính số tăng cao. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, người dùng dễ dàng thấy biểu tượng chấp nhận thanh toán bằng QR code tại các chợ truyền thống, quán ăn, xe đẩy…
Chị Nguyễn Minh Phương (Hà Nội) chia sẻ: “Sáng đi làm, thấy chị bán hoa quả đứng ngay bên đường liền tạt vào mua. Đến lúc thanh toán mới giật mình nhớ ra không có đồng tiền mặt nào trong túi. Lúc đó, tôi đang cảm thấy hơi ngại với chị bán hàng thì chị giơ ngay mã QR code đã được in sẵn rất chuyên nghiệp. Đúng là xu hướng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt thấy rõ lắm rồi”.
Khách mua quả dứa 10.000 đồng giờ đây chỉ cần quét mã QR để thanh toán thay vì trả tiền mặt. |
Trong khi đó, chị Thanh Thúy (quận Hoàng Mai) cho biết, trước đây không có tiền mặt trong người cảm thấy không tự tin vì dùng những khoản lặt vặt rất khó, nhưng hiện nay không còn khiến chị băn khoăn nữa.
“Tôi đi chợ mua một bó rau hết 15.000 đồng, nhưng chỉ cần dùng điện thoại quét mã QR là có thể thanh toán qua các tài khoản ngân hàng một cách chính xác, tránh nhầm lẫn khi thanh toán, đôi khi còn có các chương trình khuyến mãi, giảm giá kèm theo”, chị Thuý nói.
Chủ cửa hàng tạp hóa ở chợ Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: "Hình thức thanh toán quét mã QR thuận tiện cho công việc mua bán, dễ sử dụng, giúp người mua, bán chủ động thống kê được ngay các khoản thu - chi trong ngày, không phải tính toán thủ công như trước".
Tại Diễn đàn "Quản trị rủi ro và đảm bảo an toàn tài chính thúc đẩy hoạt động Fintech và ngân hàng số tại Việt Nam" diễn ra ngày 8/12, TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, nhiều ngân hàng đã triển khai các hoạt động như mở tài khoản thanh toán, gửi tiết kiệm được số hoá 100%. Hiện đã có 68% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng.
Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt sẽ còn được tiếp tục đẩy mạnh khi theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), giá trị thanh toán qua thiết bị di động tại Việt Nam dự kiến tăng gần 4 lần, từ 16 tỷ USD vào năm 2016 lên đến 70,9 tỷ USD vào năm 2025.
Vẫn còn những thách thức
Tuy nhiên, các chuyên gia và đại diện các ngân hàng đều cho rằng, để triển khai mô hình ngân hàng số, đòi hỏi phải có sự phối hợp cùng các công ty Fintech trong việc phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.
Cụ thể là ngân hàng có thể tận dụng các công nghệ hỗ trợ của Fintech nhằm ứng dụng các công nghệ mới vào các dịch vụ tài chính. Sự hợp tác giữa công ty Fintech và ngân hàng có thể thúc đẩy quá trình cải tổ hệ thống ngân hàng: mở rộng tệp khách hàng và có thể chăm sóc khách hàng tốt hơn; phát triển đa dạng các sản phẩm - dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng tốt hơn, phù hợp hơn; giao dịch an toàn hơn với chi phí thấp hơn.
Theo bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Ngân hàng số, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PvcomBank), hiện nay, hệ thống ngân hàng lõi còn tương đối lạc hậu, chưa đủ điều kiện để tích hợp ứng dụng số hóa dựa trên dữ liệu lớn. Trong khi đó, công nghệ ứng dụng trong ngân hàng số thường có tốc độ phát triển nhanh và dễ dàng thay thế bởi các công nghệ mới. Hơn nữa, các đối thủ cạnh tranh trong ngành đều tăng tốc đầu tư cho công nghệ số, nên Fintech đang đặt ra cho ngân hàng những thách thức không hề nhỏ.
Vì thế, để triển khai áp dụng ngân hàng số, ngân hàng có thể cần bên thứ ba tham gia vào quá trình cung ứng, hỗ trợ hoạt động. Nhưng bên thứ ba này phải đạt được trình độ quản lý rủi ro tương đương với mục tiêu ngân hàng đề ra. Nên theo bà Nga, giải pháp là phải rà soát thẩm định thông tin về bên thứ ba trước khi ký hợp đồng cũng như thường xuyên giám sát năng lực, đánh giá định kỳ.
Trong bối cảnh này, PGS.TS. Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, các dịch vụ tài chính số tại Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển, nhưng cần thúc đẩy hoàn thiện thể chế. Cụ thể là sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử; ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng dịch vụ số…
Ngoài ra, theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, cơ sở pháp luật cho ngân hàng tiến hành chuyển đổi số mới chỉ đạt 50% với các quy định về định danh điện tử, thanh toán điện tử…, trong khi nhiều quy định liên quan đến bảo lãnh, cho vay chưa được ban hành. Vì thế, hiện NHNN cũng đã trình Chính phủ để ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng (Fintech Regulatory Sandbox), trong đó sẽ quy định về việc cấp tín dụng trên nền tảng công nghệ, cho vay ngang hàng, chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API)...
Huyền Anh