Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa thông tin về việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP. Cụ thể, tính đến 30/9/2023, trong số 44 ngân hàng thương mại (NHTM) được thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất 2%, có 36 NHTM đã có phát sinh số tiền hỗ trợ lãi suất với doanh số hỗ trợ lãi suất đạt hơn 190.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt hơn 63.000 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình đạt khoảng 873 tỷ đồng cho hơn 2.200 khách hàng (chủ yếu cho khách hàng doanh nghiệp chiếm 99%).
Theo NHNN, ngân hàng có kết quả quả hỗ trợ lãi suất tích cực nhất là Vietinbank (chiếm 22,28% tổng số hỗ trợ lãi suất). Đứng thứ hai là một ngân hàng ngoại - HSBC (chiếm 17,25%). Ba ngân hàng còn lại trong nhóm big 4 (BIDV, Vietcombank, Agribank) và Techcombank… là những cái tên tiếp theo trong danh sách tích cực tham gia gói hỗ trợ lãi suất.
Như vậy, đến cuối tháng 9/2023, gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng mới giải ngân được gần 2,2%.
Đến cuối tháng 9/2023, gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng mới giải ngân được gần 2,2%. |
Thời gian qua, NHNN đã rất tích cực triển khai gói hỗ trợ lãi suất và các NHTM cũng đã chủ động tiếp cận khách hàng, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp cho các khách hàng hiểu rõ, đầy đủ về chính sách và cách thức để tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất từ NHTM. Mặc dù vậy, kết quả giải ngân gói hỗ trợ vẫn đạt thấp.
Trong quá trình triển khai phát sinh những bất cập, vướng mắc, khó khăn, NHNN đã báo cáo Chính phủ thông qua 10 Tờ trình, đồng thời có các kiến nghị, đề xuất cụ thể đối với Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương để thúc đẩy triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất.
Theo NHNN, nguyên nhân chủ yếu là khách hàng không đáp ứng đối tượng được hỗ trợ lãi suất (ví dụ như khách hàng hộ kinh doanh không có đăng ký kinh doanh,...). Một số khách hàng đáp ứng điều kiện hỗ trợ lãi suất nhưng lại có tâm lý e ngại công tác hậu kiểm; khó đánh giá về khả năng “phục hồi”; một số khách hàng lựa chọn vay USD để tận dụng lợi thế về lãi suất và nguồn thu bằng ngoại tệ nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất…
Để triển khai gói hỗ trợ lãi suất tốt hơn thời gian tới, NHNN đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục phối hợp NHNN thực hiện công tác truyền thông, tuyên truyền để các đối tượng quan tâm được tiếp cận chính sách hỗ trợ từ ngân sách. Đồng thời, tạo thuận lợi và đẩy nhanh quá trình thanh toán, quyết toán hỗ trợ lãi suất.
Trước đó, tại báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán tổ chức thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội phục vụ kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ những bất cập trong việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% tại một số ngân hàng như MB, NCB, HSBC, Sacombank, Publicbank... chậm ban hành văn bản nội bộ hướng dẫn; chưa chủ động tiếp cận, đồng hành, hướng dẫn khách hàng hiểu đúng, đủ về chính sách; chưa xây dựng tiêu chí để đánh giá "khả năng phục hồi" của khách hàng làm căn cứ xét duyệt hỗ trợ lãi suất...
Về phía NHNN, Kiểm toán Nhà nước đánh giá công tác truyền thông của cơ quan này chưa đi trước, chưa mang tính định hướng, thể hiện ở việc kết quả cho vay hỗ trợ lãi suất của các NHTM vẫn chưa như kỳ vọng, vẫn còn ý kiến phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng về nhiều khó khăn khi tiếp cận chính sách.
Thanh Hoa