Ngay khi vừa chính thức được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trao quyết định áp dụng thành công về quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo chuẩn mực quốc tế Basel II, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) lên kế hoạch tăng vốn thông qua phương thức chào bán khoảng 20% vốn cho các nhà đầu tư quốc tế, bao gồm cả 10% vốn dưới dạng cổ phiếu quỹ – tức là toàn bộ số cổ phiếu quỹ mà ngân hàng đang có.
Hối hả tăng vốn sau Basel II
Chia sẻ với báo chí mới đây, ông Huỳnh Bửu Quang, Tổng Giám đốc MSB, cho biết ngân hàng này đang thực hiện triển khai các cuộc giới thiệu, tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài trong kế hoạch chào bán cổ phần.
Hiện, MSB đã thực hiện roadshow tại Thái Lan, Singapore và sắp tới là tại Hong Kong, với sự tham gia của nhiều định chế tài chính lớn trên thế giới.
Trước đó, để chuẩn bị cho đợt chào bán này, MSB đã chi ra 770 tỷ đồng để mua vào gần 70 triệu cổ phiếu quỹ, nâng tổng số cổ phiếu quỹ sở hữu lên 100,5 triệu đơn vị.
Trước đó, kể từ ngày 1/5, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) trở thành một trong những nhà băng đáp ứng chuẩn mực Basel II tại thị trường Việt Nam. Ông Lưu Trung Thái, Tổng Giám đốc MB, cho biết dự kiến trong quý III – IV năm nay, ngân hàng này sẽ chào bán riêng lẻ 258,4 triệu cổ phần và bán lại 47 triệu cổ phiếu quỹ đang nắm giữ. Đối tượng chào bán là cả nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết sẽ tiếp tục chào bán khoảng 6,5% cổ phần, đối tượng tập trung chủ yếu là nhà đầu tư nước ngoài.
Năm ngoái, ngân hàng này mới chỉ bán thành công khoảng 3% vốn cho nhà đầu tư GIC đến từ Singapore cùng cổ đông chiến lược nước ngoài hiện hữu Mizuho, thu về 6.200 tỷ đồng.
Tại Đại hội cổ đông vừa qua, HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng đề xuất các kế hoạch tăng vốn gồm chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với số vốn điều lệ tăng thêm tối đa là hơn 1.410 tỷ đồng, tương đương khoảng 18% vốn trước khi tăng.
Đồng thời, phát hành chào bán riêng lẻ cổ phiếu mới cho các nhà đầu tư với số vốn điều lệ tăng thêm tối đa hơn 1.664 tỷ đồng, tương đương khoảng 18% vốn trước khi phát hành chào bán (sau khi tăng vốn từ chia cổ phiếu thưởng).
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tăng vốn là vấn đề cấp bách của các ngân hàng, bởi đó cũng chính là chìa khóa giúp tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh không chỉ với các ngân hàng trong nước mà nhiều ngân hàng ngoại cũng đang “bành trướng” sang thị trường Việt Nam.
Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, các cú sốc có thể đến từ bên ngoài, nếu không có bộ đệm tốt, các ngân hàng sẽ gặp khó khăn khi xoay xở, ứng phó.
![]() |
Tăng vốn là vấn đề cấp bách của các ngân hàng |
Cơ hội nhiều hơn
Có thể thấy trong hai năm 2017 – 2018, làn sóng gọi vốn bùng nổ ở ngành ngân hàng. Hầu hết các nhà băng đều lên kế hoạch tăng vốn, tuy nhiên chỉ một số đạt được mục tiêu, trong khi nhiều đơn vị chưa hoàn thành kế hoạch.
Giới phân tích cho rằng “tấm bằng” Basel II sẽ giúp các ngân hàng tiến gần hơn với mục tiêu tăng vốn của mình.
Basel II là một bộ các tiêu chuẩn quốc tế nhằm đảm bảo các ngân hàng hoạt động an toàn, bền vững, minh bạch và hiệu quả. Basel II là phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, sử dụng khái niệm “ba trụ cột” bao gồm yêu cầu vốn tối thiểu, giám sát của cơ quan quản lý và công bố thông tin trong quản trị ngân hàng.
“Vì vậy, việc tuân thủ theo Basel II đồng nghĩa với việc các ngân hàng được công nhận hoạt động an toàn, hiệu quả và minh bạch theo những nguyên tắc quản trị rủi ro cao hơn, theo chuẩn quốc tế, giúp ngân hàng nâng cao vị thế, gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường”, chuyên gia này phân tích.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cần đẩy nhanh tốc độ phê duyệt nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, vì nhà đầu tư nước ngoài không thể kiên nhẫn chờ đợi quá lâu và các ngân hàng Việt Nam sẽ bỏ qua cơ hội quan trọng này.
Ts. Cấn Văn Lực đánh giá gọi vốn đầu tư nước ngoài đang được xem là con đường ngắn nhất và mang lại giá trị cao trong bối cảnh hiện nay khi mà khó có thể tìm được tổ chức trong nước có nguồn lực tài chính mạnh rót vốn đầu tư vào ngân hàng như giai đoạn trước kia.
Ngoài ra, một số nhà phân tích cho rằng nhìn vào bối cảnh của thị trường chứng khoán hiện tại, nhìn vào thực tế giá cổ phiếu ngân hàng sau hoạt động rót vốn của khối ngoại một năm trở lại đây, có thể thấy làn sóng lịch sử 2017 – 2018 sẽ khó lặp lại trong ngắn hạn.
Theo đó, dù các ngân hàng vừa nhận “chứng chỉ” Basel II cũng phải cân nhắc kỹ thời điểm bán vốn.
Huyền Anh