Đến thời điểm này, nhiều ngân hàng bắt đầu công bố số liệu hợp nhất về hoạt động kinh doanh quý III và 9 tháng năm 2015. Về cơ bản, các chỉ tiêu chính như doanh thu thuần, tín dụng, huy động, tổng tài sản, lợi nhuận… đều có tăng trưởng khả quan. Trong đó, ba “ông lớn” ngân hàng là BIDV, Vietinbank, Vietcombank… vẫn duy trì mức lợi nhuận “khủng” cao nhất hệ thống.
![]() |
Ba “ông lớn” ngân hàng là BIDV, Vietinbank, Vietcombank vẫn duy trì mức lợi nhuận “khủng” cao nhất hệ thống.
Tín dụng lạc quan, lãi nghìn tỷ
Trong bộ ba ngân hàng, dẫn đầu kết quả kinh doanh 9 tháng hiện là Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV, mã: BID). Trong quý III, ngân hàng báo lãi trước thuế 2.417 tỷ đồng, tăng 21,9% trong quý III này. Kết quả sẽ cao hơn nếu BIDV kiểm soát tốt hơn chi phí hoạt động trong kỳ (tăng 67% lên tới 3.125 tỷ đồng chi phí).
Lũy kế 9 tháng qua, BIDV báo cáo lợi nhuận trước thuế đạt 5.535 tỷ đồng, tăng 24,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận 4.513 tỷ đồng, tăng 27,7%. Các chỉ tiêu chính khác của BIDV cũng gây ấn tượng với tổng tài sản tăng 20,8% đạt 786.161 tỷ đồng, cho vay khách hàng tăng 23,4% đạt 550.302 tỷ đồng, huy động tăng 23,3% lên mức 543.117 tỷ đồng.
Tiếp sau là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank, mã: CTG) cũng có sự tăng trưởng ấn tượng. Báo cáo tài chính cho thấy, dư nợ cho vay khách hàng tăng 13,5%, đạt 499.582 tỷ đồng, tiền gửi và vàng của khách hàng vẫn giữ nguyên mức 37.234 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng tài sản của Vietinbank chỉ tăng 7,5% lên mức 710.691 tỷ đồng, cao hơn Vietcombank khoảng 100 nghìn tỷ đồng.
Tính chung 9 tháng qua, Vietinbank có lãi 5.725 tỷ đồng trước thuế và 4.461 tỷ đồng sau thuế, chỉ tăng nhẹ 4,4% so với cùng kỳ. Riêng quý III, Vietinbank vẫn duy trì tăng trưởng ổn định ở hoạt động dịch vụ, giữ chi phí hoạt động tăng ở mức thấp, nhưng riêng chi phí dự phòng rủi ro lại tăng mạnh tới 66%. Do đó, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 1.846 tỷ đồng, chỉ tăng hơn 14% so với cùng kỳ.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã: VCB) cũng không hề kém cạnh. Cụ thể: tín dụng tăng 10,2% trong 9 tháng qua, huy động vốn khách hàng tăng 15,5%, lên mức trên 487.000 tỷ đồng. Tổng tài sản tại ngày 30/9/2015 đạt 615.575 tỷ đồng, tăng hơn 38.500 tỷ so với đầu năm.
Nhờ kết quả kinh doanh quý III tăng tốt hơn, nên tính chung 9 tháng, Vietcombank có lãi thuần hơn 11.000 tỷ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chủ yếu lãi từ hoạt động dịch vụ với 1.400 tỷ đồng (tăng 24,7%) và lãi từ ngoại hối 1.528 tỷ đồng (tăng 42%)…
Do chi phí hoạt động tăng đột biến tới 70% lên mức 2.705 tỷ đồng trong quý III nên tổng chi phí 9 tháng dâng lên tới 5.952 tỷ đồng, ảnh hưởng đáng kể tới thu nhập. Luỹ kế 9 tháng, Vietcombank báo lãi trước thuế 4.648 tỷ đồng và sau thuế 3.635 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Nếu phần trích phí dự phòng không tăng mạnh tới 34,3% thì số lợi nhuận có lẽ sẽ đẹp hơn.
Theo các báo cáo tài chính hợp nhất và riêng lẻ, hoạt động của ba “ông lớn” ngân hàng BIDV, Vietinbank, Vietcombank đã có cải thiện tích cực hơn trong vấn đề nợ xấu, dự phòng rủi ro.
Gánh nặng sáp nhập
Chẳng hạn, tại Vietinbank, tỷ lệ nợ xấu đến hết 30/9 tiếp tục giảm từ 1,11% (cuối năm 2014) xuống chỉ còn 0,95% dư nợ. Dù vậy, cần chú ý là nợ nhóm 3 dưới tiêu chuẩn tăng gấp 3 lần, lên 1.107 tỷ đồng và nợ nhóm 5 có nguy cơ mất vốn tăng 29%, lên 2.685 tỷ đồng. Số liệu nợ xấu của Vietinbank có thay đổi lớn từ sau khi nhận sáp nhập PGbank.
Còn tỷ lệ nợ xấu của của BIDV lại tăng nhẹ từ mức 2,03% đầu năm lên 2,16%, tương ứng dư nợ xấu tăng thêm khoảng 2.869 tỷ đồng. Riêng nợ nhóm 5 tăng thêm 72% lên 5.631 tỷ đồng và chiếm gần 50% tổng số nợ xấu, mà gồm cả nợ xấu chuyển giao từ Ngân hàng MHB vừa sáp nhập vào BIDV.
Đây là hai ngân hàng gốc quốc doanh đi đầu trong việc nhận sáp nhập ngân hàng theo chủ trương đẩy nhanh tái cơ cấu hệ thống TCTD. Khi sáp nhập, số liệu tài chính của hai ngân hàng sẽ hợp nhất ngay trong năm 2015, do vậy không thể tránh khỏi ảnh hưởng từ nợ xấu của đối tác. Quá trình sáp nhập đã diễn ra suôn sẻ, thuận lợi song trước mắt, BIDV và Vietinbank sẽ vẫn phải tiếp tục xử lý những vấn đề tồn tại của đối tác, ổn định hệ thống, đẩy mạnh tín dụng, xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, vấn đề kiểm soát chất lượng tín dụng, giảm rủi ro nợ xấu cũ “phình” to và ngăn ngừa nợ xấu mới phát sinh được Hội đồng quản trị BIDV, Vietinbank đặc biệt chú trọng trong nhóm giải pháp về tái cơ cấu sau khi sáp nhập.
Hiện, chỉ còn Vietcombank chưa rõ có nhận sáp nhập ngân hàng, công ty tài chính nào không, đối tác có “sức khoẻ” ra sao? Ở thời điểm này, các chỉ số tài chính của Vietcombank vẫn đang bám sát kế hoạch đề ra, chưa có điều chỉnh nếu xảy ra tình huống sáp nhập như hai nhà băng nêu trên.
Để hiện thực hoá tham vọng vươn lên vị trí số 1 hệ thống và tầm cỡ khu vực, hiện cả ba ngân hàng cũng có những dự tính thu hút nhà đầu tư, cổ đông chiến lược mạnh để bán bớt cổ phần nhà nước. Các ngân hàng sẽ phải cạnh tranh quyết liệt về ngôi vị, đồng thời tạo sức hấp dẫn để thu hút được vốn ngoại.
Thu Hằng