Từ đầu năm 2024 đến nay, Agribank đã 03 lần điều chỉnh giảm sàn lãi suất cho vay, trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn giảm từ 0,5%-1%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn giảm 1-1,5%/năm so với đầu năm. Theo đó, sàn lãi suất cho vay thông thường ngắn hạn của Agribank chỉ từ 5,0%/năm, cho vay trung dài hạn chỉ từ 7,5%/năm.
Lãi suất cho vay thông thường ngắn hạn của Agribank chỉ từ 5,0%/năm và cho vay trung dài hạn chỉ từ 7,5%/năm. |
Trước đó, chia sẻ khó khăn với khách hàng, Agribank hỗ trợ giảm lãi suất cho vay trực tiếp đối với trên 1 triệu khoản vay hiện hữu với số tiền hỗ trợ ước tính 700 tỷ đồng.
Trong thời gian qua, Agribank đã chủ động, linh hoạt cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế và phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tập trung cho 3 động lực tăng trưởng chính là tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư và ưu tiên 5 lĩnh vực mũi nhọn bao gồm xuất khẩu, nông nghiệp, công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ.
Cùng với chính sách giảm lãi suất, Agribank triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi tổng quy mô 220.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp SMEs, doanh nghiệp lớn, xuất nhập khẩu… với lãi suất cho vay bình quân thấp hơn từ 1%-2,5%/năm so với lãi suất thông thường.
Agribank cũng đã triển khai nhiều giải pháp để gia tăng khả năng tiếp cận vốn và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Đáng chú ý, ngân hàng đã nâng quy mô chương trình tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản và thủy sản từ 3.000 tỷ đồng lên 8.000 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân 85% quy mô chương trình, với doanh số cho vay lũy kế đạt 6.738 tỷ đồng.
Ngoài ra, Agribank tiếp tục dẫn đầu trong giải ngân Chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, và cải tạo lại chung cư cũ. Đến nay, ngân hàng đã phê duyệt 11 dự án nhà ở xã hội và 39 khách hàng mua nhà với tổng số tiền phê duyệt là 3.023 tỷ đồng, dư nợ là 589 tỷ đồng.
Với chính sách lãi suất cho vay hiện nay, Agribank tiếp tục thông điệp đồng hành chia sẻ khó khăn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tối ưu chi phí vay, đáp ứng nhu cầu đời sống, kịp thời bổ sung nguồn vốn tái cơ cấu hoạt động, phục vụ sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.
N.B