Ngày 21/10, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025.
Nêu kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024, Thủ tướng Chính phủ cho biết nhìn chung, tình hình kinh tế xã hội tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước; 9 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực. Ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (chỉ tiêu GDP bình quân đầu người sẽ đạt nếu GDP tăng trưởng trên 7%). Nổi bật là chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra, các cân đối lớn được bảo đảm (có thặng dư cao); nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt, thấp hơn giới hạn cho phép.
Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 (Ảnh: VGP) |
Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%; ước cả năm đạt 6,8 - 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6 - 6,5%), thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,88% (trong bối cảnh tăng lương với mức cao từ 1/7/2024).
Thị trường ngoại hối cơ bản ổn định, lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại giảm 0,86% so với cuối năm 2023.
Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ quyết liệt cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu; tích cực xử lý các TCTD yếu kém.
Kết quả trong 8 tháng qua đã xử lý được hơn 188.500 tỷ đồng nợ xấu, tăng hơn 30,7% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,7% (nếu không bao gồm 5 ngân hàng thương mại kiểm soát đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 1,99%).
Trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn thách thức, nợ xấu ở mức cao, việc xử lý các ngân hàng yếu kém còn chậm, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm còn thấp, khả năng hấp thụ vốn và tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp còn hạn chế, áp lực trả nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn lớn.
"Tỷ giá có giai đoạn biến động bất thường ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp; quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỷ giá", ông Vũ Hồng Thanh nêu.
Ngoài việc xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng, báo cáo của Chính phủ cũng cho biết, Chính phủ đã tái cơ cấu, xử lý có hiệu quả các dự án thua lỗ với 4 dự án có lãi, trả nợ đúng hạn, ba dự án gồm: Dự án mở rộng nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (Tisco 2); Dự án khai thác, tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa, Nhà máy gang thép Lào Cai (dự án VTM) tại tỉnh Lào Cai và Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) được hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý trong thời gian tới.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ đã phê duyệt Đề án cơ cấu lại 16/19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước; đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 3/19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn lại.
Theo số liệu mới nhất, sau 9 tháng kinh doanh năm 2024, tổng doanh thu công ty mẹ của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc quản lý của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ước đạt 971.593 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ và hoàn thành 83% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 50.360 tỷ đồng, vượt kế hoạch 20%.
Giá trị nộp ngân sách Nhà nước của nhóm doanh nghiệp này ước đạt 62.904 tỷ đồng, tương đương thực hiện cùng kỳ và vượt 15% kế hoạch năm.
Tính đến hết tháng 9, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty này ước đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước và tương đương 90% kế hoạch năm.
Trong số hơn 800 doanh nghiệp Nhà nước hiện nay, 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu nắm giữ khoảng 65% tổng vốn chủ sở hữu cũng như tài sản.
Thanh Hoa