![]() |
Tín dụng xanh cũng là định hướng mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra cho các ngân hàng những năm gần đây. |
Trong Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, một trong những mục tiêu đặt ra là thúc đẩy phát triển “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh” để góp phần chuyển đổi nền kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, phát thải các-bon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thông điệp “xanh hoá” thời gian gần đây cũng đang có sự lan toả tới các nhà băng Việt ngày một mạnh mẽ hơn thông qua việc dành nguồn vốn ưu đãi để cho vay các cá nhân, doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống mà không gây ảnh hưởng xấu hoặc có khả năng bảo vệ tài nguyên, môi trường, xã hội.
Chẳng hạn, dư nợ tín dụng xanh chiếm xấp xỉ 30%/tổng dư nợ của Bac A Bank với nhiều dự án như chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung, bảo tồn, sản xuất dược liệu sạch và hương liệu tự nhiên...
Sacombank dành đến 8.500 tỷ đồng với lãi suất cho vay từ 6%/năm đối với khách hàng doanh nghiệp mới và hiện hữu, có nhu cầu sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực "xanh" hoặc có quy trình hoạt động không gây ảnh hưởng, có khả năng bảo vệ tài nguyên, môi trường... cùng một số lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên khác.
Đối với các cá nhân và hộ gia đình, Sacombank đang dành nguồn vốn 500 tỷ đồng cho vay mua thiết bị năng lượng mặt trời với lãi suất ưu đãi, tặng kèm thêm sản phẩm bảo hiểm nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng nguồn năng lượng tự nhiên thay cho điện năng.
Báo cáo của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) phân tích 21 thị trường mới nổi lớn nhất trong đó có Việt Nam cho thấy, việc tập trung vào các khoản đầu tư xanh quan trọng trong 10 lĩnh vực từ năm 2020 - 2030 có thể tạo ra 10,2 nghìn tỷ USD cơ hội đầu tư; 213 triệu việc làm tích lũy; giảm 4 tỷ tấn CO2 tương đương.
Trong năm 2020, với vai trò là nước Chủ tịch ASEAN, NHNN đã xây dựng “Sáng kiến các nguyên tắc ngân hàng bền vững” với mục đích hướng dẫn Ngân hàng trung ương và Cơ quan quản lý tiền tệ của ASEAN thúc đẩy ngân hàng bền vững trong khối ASEAN.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, rót vốn cho các dự án xanh đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư khá lớn, lại kèm với rủi ro thị trường, trong khi đó nguồn vốn của các ngân hàng hiện nay huy động được chủ yếu là vốn ngắn hạn, nên các nhà băng phải xem xét để có giải pháp tranh thủ tốt nhất nguồn lực của các dự án tài chính quốc tế như WB, ADB…
Bên cạnh đó, việc phát triển tiết kiệm xanh, phát hành trái phiếu xanh cũng là một hướng đi mà các nhà băng có thể tham khảo để mang lại hiệu quả cao.
Chuyên gia của Chương trình hỗ trợ năng lượng GIZ nhấn mạnh, việc phối hợp chính sách tín dụng xanh và trái phiếu xanh là hai nguồn vốn quan trọng nhất cho tăng trưởng xanh.
Được biết, hiện Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan để có kế hoạch phát hành trái phiếu xanh trong năm 2021.
Huyền Anh