Đáng chú ý, bên cạnh các ngân hàng tăng lãi suất, đã xuất hiện một số nhà băng giảm lãi suất kỳ hạn dài, là điều khác biệt so với 2 tháng trước.
Theo đó, đến ngày 19/8, thị trường ghi nhận đã có 3 ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất. Điểm chung của các nhà băng này là từng niêm yết lãi suất từ 6-6,2%/năm với những kỳ hạn dài từ 13-36 tháng, cũng là mức lãi suất dẫn đầu thị trường.
Cụ thể, OCB vừa giảm lãi suất huy động các kỳ hạn 24-36 tháng, với mức giảm 0,2%/năm, kể từ ngày 16/8. Theo đó, mức lãi suất huy động cao nhất lên đến 6%/năm được OCB duy trì suốt hai tháng qua đối với tiền gửi kỳ hạn 36 tháng đã giảm về 5,8%/năm.
Thị trường ghi nhận đã có một số ngân hàng "ngược dòng", điều chỉnh giảm lãi suất huy động. |
Trước OCB, 2 ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng điều chỉnh lãi suất huy động xuống mức bằng hoặc thấp hơn 6%/năm.
Gần nhất là ngày 15/8, BacABank giảm từ 0,1-0,2%/năm lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 1-36 tháng. Trong đó, đáng chú ý, mức lãi suất huy động kỳ hạn 18-36 tháng áp dụng cho tài khoản tiền gửi từ 1 tỷ đồng trở lên giảm từ 6,05% xuống còn 5,95%/năm.
Ngày 7/8 vừa qua, SeABank cũng bất ngờ giảm lãi suất 0,25%/năm đối với tất cả kỳ hạn huy động. Việc điều chỉnh này khiến SeABank đánh mất ngôi vị quán quân về lãi suất huy động cao nhất thị trường.
Cụ thể, mức lãi suất 6,2%/năm được SeABank trả cho khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 15-36 tháng với số tiền từ 10 tỷ đồng trở lên nay giảm xuống còn 5,95%/năm.
Sau khi giảm, lãi suất tiền gửi cao nhất tại OCB, Bac A Bank và SeABank về dưới ngưỡng 6%/năm, trong khi tại ABBank, lãi suất cao nhất là 6%/năm.
Tuy nhiên, "châm ngòi" cho xu hướng này lại là ABBank khi đã giảm lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng từ mức cao nhất thị trường 6,2%/năm xuống 6%/năm kể từ ngày 31/7.
Theo một số chuyên gia, lãi suất có sự tăng giảm đan xen giữa các ngân hàng tùy thuộc vào nhu cầu và cơ cấu vốn huy động ở từng giai đoạn. Dù vậy, xu hướng tăng vẫn nhiều hơn và còn tiếp tục kéo dài cho đến cuối năm nay. Nguyên nhân là các ngân hàng muốn có nguồn huy động dồi dào để có thể đáp ứng nhu cầu vay vốn trong những tháng cuối năm.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho biết: "Những tháng cuối năm, với các hoạt động sản xuất kinh doanh khởi sắc hơn, các ngân hàng sẽ mạnh tay cho vay hơn. Với kịch bản này, các ngân hàng sẽ tăng lãi suất huy động".
Chuyên gia dự báo lãi suất huy động đến cuối năm có thể tăng thêm từ 0,5% đến 1%. Tuy nhiên, với định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, yêu cầu hạ lãi suất đầu ra nhằm đảm bảo hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, vì vậy lãi suất cho vay dự báo sẽ không tăng trong năm nay.
Trong kế hoạch thích ứng với thị trường 6 tháng cuối năm, MB nhận định lãi suất huy động có thể tăng nhẹ từ 0,1-0,15%/năm trong quý III. Cùng với đó, chi phí dự phòng cũng được dự báo tăng nên lợi nhuận quý III của MB có thể dao động trong khoảng tăng hoặc giảm 6% so với mức lợi nhuận của quý II.
Thực tế hiện nay, một số ngân hàng đang duy trì lãi suất huy động 6,1%/năm gồm: NCB và OceanBank (kỳ hạn tiền gửi từ 18-36 tháng); HDBank (kỳ hạn 18 tháng); Saigonbank và SHB (kỳ hạn gửi tiền từ 36 tháng).
Bên cạnh đó, một số ngân hàng niêm yết mức lãi suất 6%/năm gồm: BaoViet Bankvà BVBank áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 18-36 tháng; Saigonbank cho tiền gửi kỳ hạn 13-24 tháng và 6,1%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 36 tháng.
Một số nhà băng có chính sách cộng thêm lãi suất nên mức lãi huy động cũng có thể chạm ngưỡng 6%/năm.
Chẳng hạn, VPBank đang niêm yết lãi suất huy động 5,9%/năm cho tiền gửi từ 10 tỷ đồng, kỳ hạn 24-36 tháng. Tuy nhiên, nhà băng này có chính sách cộng thêm 0,1%/năm lãi suất cho khách hàng ưu tiên với số dư tối thiểu 100 triệu đồng và kỳ hạn tối thiểu 1 tháng. Do đó, lãi suất huy động cao nhất khi gửi tiền tại VPBank có thể lên đến 6%/năm.
Thanh Hoa