Dù mức điều chỉnh lãi suất tiết kiệm không nhiều nhưng hàng loạt ngân hàng cùng tăng khiến lãi suất huy động đã tạo một mặt bằng mới.
Từ quý II năm nay, nhiều ngân hàng thương mại đã liên tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động, chủ yếu là ở các kỳ hạn ngắn. Tuy nhiên, mức điều chỉnh cũng không nhiều, từ 0,1- 0,3%/năm. Do vậy, mặt bằng lãi suất dưới 6 tháng của nhiều ngân hàng vẫn dưới mức 5,5%/năm. Kỳ hạn dài hơn, ví dụ như kỳ hạn 12 tháng thì rất hiếm có mức lãi suất trên 6%/năm.
Tuy nhiên, lãi suất huy động liên tục được điều chỉnh, thị trường thiết lập mặt bằng mới.
Theo thống kê từ đầu tháng 8 đã có 10 ngân hàng tăng lãi suất huy động, bao gồm: Agribank, Eximbank, HDBank, Sacombank, Saigonbank, TPBank, CB, VIB, Dong A Bank, và VPBank. Trong đó, Sacombank là ngân hàng đã có hai lần tăng lãi suất trong thời gian này.
Lãi suất huy động liên tục được điều chỉnh, thị trường thiết lập mặt bằng mới. |
Theo biểu lãi tiết kiệm được các ngân hàng công bố, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng đang dao động từ 1,6%/năm đến 3,8%/năm.
Với kỳ hạn 3 tháng, lãi tiết kiệm khách hàng được hưởng dao động từ 1,9%/năm đến 4,3%/năm. Kỳ hạn 6 tháng, biểu lãi tiết kiệm được các ngân hàng niêm yết dao động từ 2,9%/năm đến 5,55%/năm. Với kỳ hạn 9 tháng, biểu lãi tiết kiệm được các ngân hàng niêm yết dao động từ 2,9%/năm đến 5,55%/năm.
Sau những đợt tăng lãi suất tiết kiệm từ cuối tháng 3 đến nay, biểu lãi tiết kiệm 12 tháng dao động từ 4,7%/năm đến 6%/năm.
Vì không có sự chênh lệch đáng kể về lãi suất, nên kỳ hạn 6 tháng, cũng là kỳ hạn được nhiều người lựa chọn để gửi tiết kiệm. "Lãi suất kỳ hạn 6 tháng sẽ cao hơn các kỳ hạn 1, 2, 3 tháng, nhưng thấp hơn kỳ hạn 12 tháng. Tuy nhiên, lựa chọn gửi kỳ hạn nào phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng. Hiện nay, tôi đang chờ đợi có cơ hội sẽ đầu tư vào các kênh đầu tư khác, nên chọn kỳ hạn 6 tháng để gửi", chị Hoàng Hà Loan, quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ.
Hiện đã có 25 ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Lượng tiền gửi của người dân và các tổ chức kinh tế trong hệ thống ngân hàng hiện đã đạt khoảng 15 triệu tỷ đồng. Đây là một nguồn lực vốn quan trọng để hỗ trợ sản xuất kinh doanh thông qua hoạt động cho vay, tín dụng (hiện số tiền mà các ngân hàng đang cho vay toàn nền kinh tế cũng đạt 14,3 triệu tỷ đồng).
Đáng chú ý, gần đây, một số ngân hàng quốc doanh cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động trực tuyến.
Sau 2 năm gần như không điều chỉnh lãi suất huy động, đầu tháng 8, Agribank đã điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm ở các kỳ hạn ngắn, từ 1- 3 tháng. Nhưng mức điều chỉnh này cũng rất nhẹ, chỉ là 0,1%/năm.
Tại MB, bà Nguyễn Thị Trà My, Phó Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng cho hay: "Lãi suất của MB theo chiều hướng là tăng, do đó lượng tiền gửi của người dân và doanh nghiệp cũng theo xu hướng tăng rõ rệt. Đó là do việc đầu tư qua hình thức gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư an toàn và có hiệu quả đối với người gửi".
Lãi suất huy động còn tăng hay không sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó bao gồm yếu tố bên trong và bên ngoài. Yếu tố bên ngoài là các yếu tố tác động lên cán cân thanh toán tổng thể, tỷ giá và lạm phát, từ đó sẽ tác động lên hoạt động kiểm soát cung tiền của Ngân hàng Nhà nước. Trong khi đó, yếu tố bên trong là các yếu tố quan trọng bao gồm: chất lượng tăng trưởng tín dụng, vấn đề chủ động kiểm soát cung tiền của Ngân hàng Nhà nước nhằm đạt các mục tiêu kinh tế khác nhau.
Các chuyên gia cho rằng từ nay đến cuối năm, nền kinh tế sẽ phát triển tích cực hơn với nhiều điểm sáng trong sản xuất, kinh doanh nên các ngân hàng cũng cần chuẩn bị nguồn vốn cho thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào thời điểm cuối năm.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, khi nhu cầu tín dụng mới tăng lên, bản thân các ngân hàng hiện tại cần phải bổ sung nguồn vốn để cho vay.
“Như vậy, khả năng cao họ phải nâng lãi suất huy động để bổ sung thanh khoản. Tín dụng bơm vào đảo nợ cách đây vài tháng chưa đáo hạn, mà nhu cầu mới tăng nên tất yếu cần thêm nguồn tiền để đáp ứng nhu cầu. Chính vì vậy, các ngân hàng mới có nhu cầu nâng lãi suất tiền gửi,” ông Minh phân tích.
Ông Minh dự báo từ nay đến cuối năm các ngân hàng thường phải duy trì mức biên lợi nhuận từ 1,5%-2%, trong khi đó lãi suất cho vay ra có tài sản đảm bảo rơi vào khoảng 8%-10%, như vậy lãi suất huy động cao nhất chỉ trong khoảng 6%-7%/năm.
Trước việc các ngân hàng liên tục điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm kể từ cuối tháng 3 đến nay, chuyên gia Công ty chứng khoán MB (MBS) dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 0,5 điểm %, lên mức 5,2% - 5,5%/năm vào cuối năm nay. Các chuyên gia Chứng khoán Rồng Việt cũng nhận định từ nay đến cuối năm, lãi suất huy động tăng thêm khoảng 0,5 - 1 điểm % là phù hợp dựa trên biến động kỳ vọng của tỷ giá và lãi suất chính sách.
Thanh Hoa