Nam Định đang tích cực chuyển đổi ruộng đất, dồn điền đổi thửa từng bước xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Nhưng để phát huy hiệu quả tối đa cánh đồng mẫu lớn, giải pháp quan trọng là áp dụng cơ giới hoá vào sản xuất.
Cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp
HTX DVNN Đại Thắng là một đơn vị điển hình của xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng. Hiện, HTX hoạt động với các loại hình dịch vụ sản xuất nông nghiệp như: thủy lợi nội đồng, cung ứng giống vật tư nông nghiệp, làm đất, gieo trồng, thu hoạch bằng máy…
Các HTX đã tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa nông nghiệp, mang lại diện mạo mới trong công cuộc xây dựng NTM. |
Ông Nguyễn Xuân Điến, Giám đốc HTX Đại Thắng cho biết, trước hết, muốn thực hiện tốt vấn đề cơ giới hóa trong nông nghiệp phải làm tốt khâu dồn điền đổi thửa. Đây là bước đệm quan trọng nhưng mang lại hiệu quả tối ưu.
Trước đây, diện tích canh tác của HTX nằm trong vùng trũng, đồng đất canh tác không đồng đều, Ban quản trị HTX đã tham mưu với UBND xã, các thành viên và bà con nông dân để thực hiện công tác dồn điền đổi thửa thành công, sau đó tiến hành xây dựng cánh đồng mẫu lớn.
Để thực hiện sản xuất kinh doanh có hiệu quả, HTX đã áp dụng biện pháp sạ thẳng hàng trong gieo cấy lúa, tạo điều kiện cho việc sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn. Mỗi cánh đồng được làm thành từng dây ruộng để phù hợp với việc bơm, tát nước. Cứ 5 - 10 hộ thì làm thành một dây ruộng. Trong mỗi thửa ruộng đó lại có những thửa ruộng nhỏ của từng hộ.
Với sự đầu tư, giúp đỡ của UBND xã, HTX đã tiến hành mua các loại máy móc (máy sạ, máy bơm nước, máy gặt liên hoàn, máy cày…) để bảo đảm phục vụ từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch cho các thành viên và nông dân với giá ưu đãi hơn so với giá thị trường.
Hiện, HTX có 4 máy cày, 3 máy sạ, 2 máy gặt đập liên hoàn, 1 máy bơm, góp phần thực hiện 100% diện tích canh tác. Nhờ đó, diện tích canh tác của HTX đạt năng suất, chất lượng cao, đồng thời giảm chi phí và thời gian sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch, lại đảm bảo được tính thời vụ, giúp tăng thu nhập cho các thành viên và người dân địa phương, từ đó đóng góp vào quá trình xây dựng NTM ở địa phương.
Ông Nguyễn Trọng Huế, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thịnh cho biết, sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2014, Đảng bộ và nhân dân xã Nghĩa Thịnh tiếp tục nỗ lực phấn đấu xây dựng NTM nâng cao với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân là trước hết, trên hết.
“Địa phương cũng đang thực hiện cơ giới hóa, coi đây là một trong những vấn đề trọng tâm khi thực hiện theo mô hình HTX kiểu mới, góp phần phát triển nền nông nghiệp và xây dựng NTM tại địa phương”, ông Huế chia sẻ.
Để mô hình cơ giới hóa đồng bộ, đi vào thực tiễn
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, trong thời gian qua, Sở đã tập trung củng cố HTX trong toàn tỉnh tổ chức, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, từ đó khẳng định rõ vai trò của HTX trong xây dựng NTM.
Nam Định đang chú trọng xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tại các địa phương. |
Theo đó, các HTX đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho thành viên, ứng dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
Các HTX từng bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng, mô hình mới hiệu quả, có tính bền vững. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ, hiện nay, nhiều HTX đã tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp, chủ động liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, mở rộng các hoạt động dịch vụ, tích cực đưa tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất.
Đến nay, các HTX đã thực hiện được bình quân 5-6 loại dịch vụ (tăng 1-2 dịch vụ so với trước), có nhiều HTX tổ chức được 9-10 loại dịch vụ, ngoài các dịch vụ thiết yếu còn bổ sung thêm dịch vụ tín dụng, vệ sinh môi trường, nước sạch, đặc biệt trong đó có các dịch vụ khép kín (từ cung ứng giống, vật tư, làm đất, gieo sạ đến thu hoạch lúa).
Cụ thể như tại huyện Vụ Bản có HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Hợp Hưng, xã Hợp Hưng và HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Lê Lợi, xã Thành Lợi, thu nhập từ dịch vụ tín dụng đạt bình quân từ 200-500 triệu đồng/năm; HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Minh Tân, xã Minh Tân có thu nhập từ dịch vụ nước sạch sinh hoạt bình quân trên 200 triệu đồng/năm.
Hay tại huyện Mỹ Lộc, HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Liêm Trại, xã Mỹ Thịnh thu nhập từ dịch vụ thu hoạch lúa đạt bình quân từ 180-200 triệu đồng/năm...
Nhiều HTX đã tích tụ ruộng đất và hình thành nên các cánh đồng lớn, đầu tư máy móc thiết bị, mở rộng hoạt động và nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên, thực hiện các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản, HTX cung cấp dịch vụ, vật tư đầu vào, tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định đánh giá, trong xây dựng NTM, ngoài thực hiện tốt tiêu chí số 4.4 trong NTM nâng cao và tiêu chí 1.5 trong NTM kiểu mẫu, HTX còn đóng góp hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân.
Cùng với đó, tích cực triển khai thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phát triển sản phẩm OCOP, góp phần vào quá trình xây dựng NTM.
“Để HTX hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững trong cơ chế mới, thời gian tới, bên cạnh đầu tư, đổi mới công nghệ, các HTX cũng chú trọng đầu tư xây dựng vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh... và nhiều hoạt động khác trong quá trình xây dựng NTM”, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định cho hay.
Kim Yến