Ở huyện vùng cao Đông Giang, câu chuyện giảm nghèo được nhắc đến như một “chiến lược” trong hàng chục năm qua. Kết quả của sự nỗ lực không mệt mỏi ấy là những mô hình kinh tế hiệu quả của khu vực kinh tế tập thể trong công tác giảm nghèo.
Điểm sáng vùng cao
Được trồng nhiều ở xã Tư và một số thôn, bản của huyện miền núi Đông Giang, cây chè dây Ra Zéh từ lâu đã giúp nhiều hộ đồng bào Cơ-tu xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, vì khai thác ồ ạt, không nhân giống nên cây thuốc dân gian này có nguy cơ cạn kiệt.
Thương hiệu “chè dây Ra Zéh” đã trở thành “tiềm lực” kinh tế của huyện Đông Giang (Ảnh: TL) |
Bên cạnh đó, khâu chế biến, bảo quản mang tính truyền thống, thủ công của đồng bào Cơ Tu nên chất lượng sản phẩm không đảm bảo, dễ bị ẩm mốc, hư hỏng. Công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm thị trường chưa được thực hiện, các điểm thu mua, trao đổi mang tính tự phát, phụ thuộc vào thị trường, giá cả không ổn định...
“Sau khi ra đời vào cuối năm 2017, HTX Nông nghiệp xã Tư được giao làm đầu mối vận động trồng, khoanh nuôi, kết hợp thu mua cho người dân, chế biến chè dây và tiếp thị sản phẩm. “Chè dây Ra zéh” đã được chứng nhận nhãn hiệu tập thể độc quyền, tham gia OCOP được UBND tỉnh xếp hạng 3 sao.
Theo đó, nhiều hộ dân có diện tích khoanh nuôi, trồng chè dây tham gia làm thành viên HTX; liên kết trồng thêm bằng giống từ cây giâm hom. HTX hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, cung ứng phân hữu cơ; hoàn thiện mẫu mã, bao bì, nâng cao chất lượng sản phẩm và xúc tiến thương mại…” - ông Lê Duy Trường, Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Tư cho biết.
Giai đoạn 2015 - 2020, huyện Đông Giang có thêm HTX Nông lâm nghiệp Mà Cooih. Nhờ áp dụng tốt công nghệ và phương pháp canh tác tốt, chất lượng ớt ngày càng được nâng cao, mẫu mã đẹp. Ớt Ariêu vì thế có sức cạnh tranh mạnh trên thị trường, nhiều lúc cung không đủ cầu. Do được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nhiều hộ gia đình đã có của ăn của để. Không ít hộ mỗi vụ ớt thu được vài chục triệu đồng.
Ngoài ra, Tổ hợp tác Dệt thổ cẩm Đrôồng (xã Tà Lu), Tổ hợp tác Sản xuất - thương mại và dịch vụ Trần Văn Mãi (xã Ba) cũng đang hoạt động tương đối ổn định, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân Đông Giang.
Hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể
Dệt thổ cẩm Đhơrôồng là sản phẩm tiêu biểu cấp tỉnh (Ảnh: TL) |
Ông Đinh Ngọc Thanh - Trưởng phòng Tài chính - kế hoạch huyện Đông Giang cho biết, trong quá trình xây dựng thương hiệu của các HTX trên địa bàn, một số sản phẩm được công nhận là sản phẩm tiêu biểu khu vực miền Trung như: ớt A Riêu, 5 sản phẩm tiêu biểu cấp tỉnh gồm rượu cần truyền thống, chè dây Ra zéh, đan lát, dệt thổ cẩm Đhơrôồng, rượu Ka kun...
Tuy nhiên, hoạt động của HTX nói riêng và làng nghề nói chung vẫn đang gặp thách thức do kết cấu hạ tầng thiếu và chưa đồng bộ, đào tạo nghề và truyền nghề hạn chế, chưa phát huy hết lợi thế của nhãn hiệu tập thể và thiếu gắn kết giữa sản xuất kinh doanh với du lịch - dịch vụ đi kèm...
Thời gian tới, nhằm tạo chuyển biến cho kinh tế tập thể, phấn đấu đến năm 2025 mỗi xã có ít nhất 1 HTX, huyện Đông Giang định hướng các địa phương khi xây dựng phát triển kinh tế - xã hội cần gắn liền phát triển HTX, làng nghề.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt các quy hoạch khu vực kinh tế tập thể, làng nghề truyền thống. Đồng thời, đẩy mạnh huy động vốn trong cộng đồng thông qua các nguồn vốn của nhà nước để lồng ghép hỗ trợ máy móc thiết bị, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng cạnh tranh các sản phẩm đầu ra...
Nhật Nam