Mô hình trồng cây ăn trái đang mở hướng thoát nghèo cho người nông dân ở Tân Yên (Ảnh Tư liệu) |
Sức hút của mô hình trồng cây vú sữa
Cây vú sữa đang là một trong những loại cây kinh tế chủ lực tại xã Hợp Đức, huyện Tân Yên. Sự thích nghi tuyệt vời với điều kiện khí hậu, đất đai, nguồn nước giúp cây vú sữa ngày càng phát triển và cho chất lượng quả thơm ngon.
Năm 2016, để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vú sữa theo hướng hiện đại, HTX Sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vú sữa Hợp Đức được thành lập với các hộ trồng cây giàu kinh nghiệm, kỹ thuật bậc nhất.
HTX có khoảng 40 thành viên tham gia, trở thành địa chỉ tin cậy cho không chỉ người của HTX mà cả các hộ trồng vú sữa trong xã giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để từng bước xây dựng thương hiệu vú sữa Hợp Đức, khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
Hoạt động của HTX cùng sự quan tâm của địa phương đang thổi một làn gió mới vào phong trào trồng cây vú sữa tại Hợp Đức, giúp các hộ sản xuất nâng cao năng suất, gia tăng hiệu quả kinh tế, vươn lên làm giàu.
Đơn cử, về giống cây trồng, giống vú sữa cũ phải mất 8 năm mới cho thu hoạch, nhưng khi thực hiện tuyển chọn cây đầu dòng thì chỉ cần 3 năm, năng suất tăng 15-20% so với đại trà, mẫu mã và chất lượng quả được cải thiện.
Theo tính toán của HTX Hợp Đức, với năng suất bình quân đạt 10-12 tấn/ha, giá bán 30 - 40 nghìn đồng/kg, người nông dân có thể thu về 250 - 300 triệu đồng/ha.
Không có vú sữa, nhưng người dân tại xã An Dương lại đang có được những thành công lớn với nhãn và các loại cây ăn quả có múi như bưởi, bòng, cam…
Cách đây gần 10 năm, ông Lê Thái Vĩnh (thông Đồng Mai, xã An Dương) đã mạnh dạn đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng để cải tạo khu vườn tạp chuyển sang trồng các loại cây ăn quả như nhãn, cam đường canh, bưởi…
Kể từ năm 2017 đến nay, các vùng trồng cây của gia đình ông Vĩnh bước vào thời gian thu hoạch rộ, chất lượng quả rất cao, được thị trường ưa chuộng. Nhờ đó, bình quân mỗi năm ông thu về trên dưới 1 tỷ đồng.
Mô hình trồng cây ăn quả sẽ được huyện tiếp tục thúc đẩy theo hướng an toàn, nâng cao giá trị (Ảnh TL) |
Hướng tới nâng cao giá trị sản phẩm
Quả vú sữa Hợp Đức đã được công nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể, tạo thuận lợi để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Yên đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng cơ chế tiếp tục hỗ trợ cây giống, hướng dẫn bà con kỹ thuật sản xuất để nâng cao chất lượng vú sữa Hơp Đức.
Sự Thành công của các HTX, mô hình điểm như HTX Sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vú sữa Hợp Đức đã tạo nên một “làn sóng” trên địa bàn các xã Ngọc Thiện, Cao Xá, Ngọc Vân, Cao Thượng, Lam Cốt… Hàng trăm hộ dân quyết tâm đầu tư cải tạo vườn tạp để chuyển sang trồng các loại cây ăn quả như vú sữa, ổi lai lê, thanh long ruột đỏ, cam Vinh, táo, dứa…
Theo Phòng NN&PTNT huyện, thành công của HTX Hợp Đức với mô hình trồng cây vú sữa đã truyền cảm hứng để nhiều HTX khác trên địa bàn quyết tâm phát triển với mũi nhọn là các loại cây ăn quả.
Có thể kể đến HTX nông nghiệp Quang Trung, xã Lan Giới. Những thành công trong việc liên kết, hợp tác, xây dựng chuỗi sản xuất đang giúp HTX "sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đó". Đặc biệt, có thể đáp ứng nhu cầu của những đơn hàng lớn, đảm bảo lợi ích kinh tế cho thành viên.
Để nâng cao giá trị của cây ăn trái, tạo bước đà giúp nông dân trên địa bàn vươn lên làm giàu bền vững, huyện Tân Yên đã xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển cây ăn quả.
Cụ thể, huyện đã hỗ trợ 26 vùng trồng cây ăn quả tập trung theo Nghị quyết 48/NQ-HĐND với kinh phí hơn 200 triệu đồng, trong đó hỗ trợ vùng nhãn tập trung 142 triệu đồng, vùng bưởi 84 triệu đồng, vùng cam 26 triệu đồng…
Huyện cũng đã và sẽ xây dựng các mô hình thử nghiệm, trình diễn các giống cây mới, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm cây ăn quả chủ lực trên địa bàn như vải sớm Phúc Hòa, vú sữa Hợp Đức…
Cây vú sữa và nhiều loại cây ăn quả khác đang thực sự làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở Bắc Giang nói chung và ở Tân Yên nói riêng.
Nhật Minh