Mục tiêu đến năm 2020, huyện phấn đấu đưa thêm 2 xã Bình Sơn và Hiệp Hòa đạt chuẩn NTM, đồng thời tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí xã đã đạt chuẩn NTM. Bên cạnh đó, tập trung các nguồn lực để đầu tư cho các xã chưa đạt chuẩn, chú trọng phát triển sản xuất, chăn nuôi, xây dựng nhiều mô hình kinh tế, phát triển kinh tế rừng.
Bứt phá mạnh mẽ
Hiệp Đức là một huyện có xuất phát điểm thấp, kinh tế chủ yếu là làm nông nghiệp, hạ tầng còn nhiều hạn chế..., trong xây dựng NTM, Hiệp Đức xác định phát triển sản xuất, chăn nuôi và trồng trọt là yếu tố quan trọng nhằm nâng cao đời sống của nông dân, làm cho bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới.
Xây dựng NTM ở Hiệp Đức đã làm cho kinh tế phát triển, đời sống được nâng lên. (Ảnh: TL) |
Dó đó, nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao được hình thành như: mô hình lúa lai Xuyên Hương 178 tại các thôn Phú Cốc Đông, Phú Cốc Tây, An Xá, Mỹ Thạnh... Hay như mô hình cánh đồng mẫu tại xã Bình Lâm, Quế Thọ, Quế Bình… giúp cho thu nhập của người dân Hiệp Đức tăng lên đáng kể và hộ nghèo giảm mạnh.
Đến nay, huyện Hiệp Đức đã hỗ trợ chuyển đổi hơn 164,6 ha/196,04 ha diện tích sản xuất lúa không chủ động nước, kém hiệu quả sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế như: ngô, lạc, đậu, rau các loại và trồng cỏ nuôi bò...
Để phát triển và bảo tồn một số loại dược liệu của địa phương như: cây cà gai leo, cây đinh lăng và cây hoài sơn…, huyện đã hỗ trợ xây dựng 1 vườn ươm các loại cây này.
Bên cạnh đó, huyện đã Ban hành Đề án trồng rừng gỗ lớn giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2025 gắn với khảo sát cấp chứng chỉ rừng FSC, duy trì diện tích cao su hiện có 1.710 ha...
Ngoài ra, từ nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM của Trung ương, tỉnh, huyện và các nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác, thời gian qua, huyện Hiệp Đức đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng phục vụ sản xuất, thiết yếu và dân sinh được tập trung xây dựng ngày một khang trang.
Nhờ có định hướng đúng, cách làm hiệu quả nên các tiêu chí ở các xã tăng lên đáng kể, xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương mình, góp phần xây dựng NTM.
Tấm gương điển hình
Năm 2010, chị Nguyễn Thị Minh Thủy (Hiệp Đức) đã về quê và quyết định khởi nghiệp với nghề trồng nấm chỉ với 300.000 đồng tiền vốn. Vượt qua mọi khó khăn trở ngại, chị Thủy đã vận động các hộ gia đình lân cận thành lập HTX Sản xuất, Chế biến và Tiêu thụ Nấm Nhì Tây do chị làm Giám đốc.
Sản phẩm nấm của HTX Sản xuất, Chế biến và Tiêu thụ Nấm Nhì Tây rất đa dạng (Ảnh:TL) |
HTX chuyên sản xuất, cung ứng ra thị trường các loại nấm Bào ngư, Linh chi và mộc nhĩ mang lại lợi nhuận kinh tế cao. Sản phẩm của HTX đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nấm bào ngư sấy tẩm gia vị là sản phẩm đang được ưa chuộng của HTX Nhì Tây. Từ trẻ con, người lớn đến cả người già đều có thể sử dụng với nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Với định hướng phát triển theo chuỗi liên kết vệ tinh, hàng chục hộ gia đình đăng ký làm vệ tinh sản xuất nấm cung cấp cho HTX Nhì Tây. Theo đó, HTX sẽ cung cấp phôi giống và hướng dẫn cách chăm sóc nấm hiệu quả cho các hộ dân, sau đó sẽ làm hợp đồng thu mua lại sản phẩm. Số hộ gia đình mua phôi và đăng ký làm vệ tinh cho HTX ngày càng tăng lên.
Đa dạng hóa sản phẩm trở thành mục tiêu của việc liên kết các hộ tại địa phương. Trước đây khi chưa xây dựng vệ tinh, HTX chỉ làm được 70 - 100 kg nấm mỗi ngày. Khi phát triển mạng lưới vệ tinh, HTX đã tính đến chuyện phải đa dạng hóa dòng sản phẩm nấm, vì vậy cần phải có nguồn nấm tươi thu về ổn định. Hiện tại, số lượng vệ tinh cho HTX lên đến gần 30 cơ sở, chưa tính 10 cơ sở trên địa bàn huyện được HTX cung cấp nguồn phôi và thu mua sản phẩm sau thu hoạch.
HTX đã dành nguồn kinh phí hơn 100 triệu đồng để làm thiết kế bao bì, logo nhãn hiệu, cũng như hoàn tất thủ tục về truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Hiện tại, sản phẩm này đã được công nhận là sản phẩm 3 sao OCOP cấp tỉnh, có mặt tại một số siêu thị và cửa hàng thực phẩm tại TP. Đà Nẵng và một số địa phương của Quảng Nam.
Hiệu quả trong sản xuất, HTX đã được Liên minh HTX Quảng Nam đánh giá là mô hình kinh tế hợp tác tiêu biểu, tiên phong trong lĩnh vực trồng nấm trên địa bàn, đóng góp không nhỏ vào chương trình xây dựng NTM toàn huyện.
Nhật Nam