Theo chia sẻ của lãnh đạo HTX, với mong muốn giữ gìn và phát triển nghề mộc truyền thống của làng, vào năm 2008, khi nhận thấy nhu cầu thị trường về đồ gỗ ngày càng tăng, các hộ sản xuất nhỏ lẻ trong làng đã quyết định cùng nhau chuyển hướng kinh doanh. Họ thành lập HTX sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, do anh Vũ Đình Cây làm Giám đốc. Kể từ khi thành lập, HTX đã giúp gắn kết các thành viên, mở rộng quy mô sản xuất và xây dựng thương hiệu cho làng nghề mộc, giúp nghề truyền thống phát triển mạnh mẽ hơn.
Từ những bước đầu "chập chững"...
"Ban đầu, HTX tập trung sản xuất các sản phẩm từ gỗ ép công nghiệp, thị trường tiêu thụ chính là bán lẻ tại các địa phương. Sau đó, nhờ đầu tư máy móc hiện đại nên các sản phẩm của HTX không chỉ có chất lượng tốt mà mẫu mã đa dạng, được đông đảo khách hàng đón nhận. Từ đây, thương hiệu đồ gỗ Đình Cây bắt đầu vươn ra các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ninh và xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Đài Loan, Campuchia", anh Cây kể với VnBusiness.
Đến năm 2012, HTX Đình Cây tiếp tục cho thấy tư duy kinh doanh nhạy bén khi ngừng sản xuất các sản phẩm từ gỗ ép để chuyển sang đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp. Theo anh Cây, nhu cầu thị trường thay đổi buộc HTX phải chuyển mình để thích nghi. Gỗ ép công nghiệp giá thành rẻ nhưng độ bền không cao nên dần bị lép vế so với các sản phẩm được làm từ gỗ tự nhiên. Để hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, phát triển, HTX đã chủ động tìm hướng đi mới.
Với phương châm thay đổi để phát triển, HTX đã vay thêm 1 tỷ đồng để đầu tư mua sắm máy móc, mở rộng quy mô sản xuất. HTX còn tập trung cải tổ bộ máy tổ chức, điều tiết các khâu sản xuất, bảo đảm các thành viên đều được tham gia, chất lượng và mẫu mã sản phẩm ngày càng được nâng cao.
"Sau khi chuyển hướng kinh doanh, chúng tôi tập trung sản xuất các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ phục vụ đời sống nhân dân như: giường, tủ, kệ, bàn thờ... Trung bình mỗi năm, HTX đưa ra thị trường khoảng 10 nghìn sản phẩm các loại, mang về doanh thu hàng trăm tỷ đồng", Phó Giám đốc Vũ Đình Quang cho biết.
Trong quá trình phát triển thương hiệu, HTX Đình Cây cũng gặp không ít khó khăn do yếu tố thị trường và dịch bệnh. Năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát khiến việc sản xuất, kinh doanh của HTX đình trệ. Nhà xưởng, người lao động không thể duy trì hoạt động sản xuất thường xuyên do không có đơn hàng mới. HTX phải xoay xở đủ cách để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nhưng vẫn gặp khó bởi giãn cách xã hội.
"Dịch Covid-19 bùng phát làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của HTX. Tuy nhiên, đồ gỗ Đình Cây đã xây dựng được thương hiệu từ trước nên chúng tôi vẫn có những đơn hàng dân dụng nhỏ lẻ để sản xuất cầm chừng. Thời điểm đó, việc giữ chân lao động có tay nghề được HTX ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, chúng tôi còn tập trung nghiên cứu thị trường, tìm cách đổi mới phương thức sản xuất để cải thiện mẫu mã và hạ giá thành sản phẩm", Giám đốc Vũ Đình Cây bộc bạch.
Bằng những giải pháp thiết thực, những khó khăn, vướng mắc của HTX nhanh chóng được giải quyết. Thị trường ổn định cũng là lúc HTX tung ra những sản phẩm mới với giá cả hợp lý, lượng khách hàng đặt sản phẩm ngày càng nhiều.
Ổn định sản xuất nhờ máy móc hiện đại
Đưa chúng tôi đi thăm xưởng sản xuất của một số thành viên HTX, Giám đốc Vũ Đình Cây thông tin, để nâng cao hiệu quả hoạt động, bên cạnh thu hút lao động có tay nghề, HTX chú trọng đầu tư máy móc, công nghệ trong sản xuất.
Nếu như trước đây, hầu hết các thành viên trong HTX đều sản xuất thủ công, sử dụng máy móc thô sơ, bán tự động khiến năng suất lao động thấp, tốn nhiều nhân lực thì nay hầu hết đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất. Các công đoạn như: xẻ, khoan, cưa, đục, đánh bóng, phun sơn… được thực hiện bằng máy. Việc ứng dụng công nghệ, máy móc vào sản xuất góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và hạn chế được những rủi ro do tai nạn lao động gây ra. Đến nay, HTX có 2 sản phẩm được chứng nhận đạt OCOP hạng 4 sao của tỉnh Hải Dương.…
HTX tập trung sản xuất các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ phục vụ đời sống nhân dân. |
Chị Hà Thị Hải - thành viên HTX cho biết, gia đình chị tham gia HTX từ đầu và được định hướng kinh doanh cũng như hỗ trợ các loại máy móc, nguồn nhập gỗ để duy trì nguồn cung sản phẩm ra thị trường.
Công việc hàng ngày của chị là đẽo, gọt cho sắc nét những chi tiết trong các bức tranh gỗ tứ quý, tứ linh, tranh hoa phù dung, họa tiết bàn ghế, giường tủ,..., hoặc điêu khắc những bức chân dung như: Bác Hồ, tượng Phật… theo mẫu trong các đơn hàng của khách.
Chị Hải chia sẻ, một pho tượng to, chiều cao 1m trở lên phải làm trong 6 tháng mới xong, những bức tượng 50 – 70 – 80 cm cần thời gian ngắn hơn. Hoặc có những bức tranh gia đình dài 2-3m, rộng 1,7 – 1,8m phải làm mấy năm mới xong, chất liệu gỗ chủ yếu là trắc, hương. Những bức tranh tượng như vậy, trước đây phải làm hoàn toàn bằng thủ công, dùi, đục, đẽo, khắc, gọt theo mẫu, nay đã có máy móc làm đỡ một số công đoạn, song vẫn cần đôi bàn tay khéo léo của phụ nữ. Ngoài nhóm điêu khắc, còn có nhóm làm sơn bóng, đánh giấy ráp, tất cả đều là chị em phụ nữ.
“Mức lương của công nhân thường đạt 10 -12 triệu đồng/tháng, 8h làm việc/ngày. Sản xuất của HTX rất ổn định, giám đốc HTX là người nhiệt tình, năng nổ và đặc biệt say mê công việc. Mặt khác, còn giúp đỡ, chỉ bảo thành viên tận tình, vì vậy chúng tôi rất gắn bó với HTX", chị Hải bày tỏ.
Hiện, HTX Đình Cây đã có 2 cơ sở sản xuất với tổng diện tích 500 m2, tạo công ăn việc làm ổn định cho các thành viên cũng như người dân trên địa bàn xã Lương Điền để có một môi trường làm việc mang đậm nét đẹp truyền thống làng nghề xưa. Mức thu nhập của người lao động dao động từ 7-20 triệu đồng/người/tháng.
Xây dựng thương hiệu để thu hút khách hàng
Bên cạnh ứng dụng máy móc, công nghệ trong sản xuất, HTX chú trọng bảo vệ môi trường. Từ khi thành lập, các thành viên của HTX luôn tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, quây bạt kín, không xả thải ra kênh mương. HTX luôn tuyên truyền, vận động, nhắc nhở các thành viên, người lao động không bào, chà, phun sơn ngoài vỉa hè, hạn chế sử dụng quạt thổi trực tiếp bụi gỗ, bụi sơn. Đến nay, 100% các thành viên ký cam kết bảo vệ môi trường với UBND xã.
Có thể khẳng định, tại HTX Đình Cây, chất lượng là giá trị cốt lõi. Mỗi sản phẩm đều được làm từ gỗ tự nhiên, trải qua quy trình sản xuất nghiêm ngặt và khắt khe. Từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến từng nét chạm khắc tinh xảo, tất cả đều thể hiện sự tỉ mỉ và tâm huyết của người thợ và các nghệ nhân. Không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng, sản phẩm của Đình Cây còn mang trong mình giá trị nghệ thuật sâu sắc, phản ánh bản sắc văn hóa Việt Nam.
Tuy nhiên, HTX cũng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động. Theo nhiều thành viên HTX, sản xuất gỗ đòi hỏi vốn lớn, có những lúc tiền nhập lô hàng gỗ tới hàng chục tỷ đồng, nên rất mong muốn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để quay vòng. Đồng thời, kiến nghị các cấp, ngành, địa phương sớm quan tâm xây dựng khu trưng bày sản phẩm của làng nghề vừa là nơi tham quan, đón tiếp du khách, vừa là không gian để truyền dạy, giới thiệu tinh hoa làng nghề cho thế hệ sau.
HTX Đình Cây đã có 2 cơ sở sản xuất với tổng diện tích 500 m2, tạo công ăn việc làm ổn định cho các thành viên với mức lương dao động từ 7-20 triệu đồng/người/tháng. |
Chia sẻ về những kế hoạch sắp tới, lãnh đạo HTX tiết lộ sẽ tiếp tục đầu tư máy móc hiện đại hướng tới mục tiêu sản xuất an toàn và hiệu quả, đồng thời tiếp tục thu hút các cơ sở sản xuất tham gia vào HTX; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm; tích cực tham gia chương trình OCOP, tuyên truyền các thành viên thực hiện an toàn lao động...
Theo lãnh đạo xã Lương Điền, trước những năm 2000, dân làng chủ yếu đi đóng thuê giường, tủ, bàn, ghế, cửa… cho các xưởng mộc ở khắp nơi. Từ khi HTX Đình Cây thành lập, sẵn nghề trong tay, nhiều người trở về quê hương, liên kết đầu tư vốn mở xưởng sản xuất. Bằng đôi tay khéo léo, óc sáng tạo của người thợ tạo ra sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp như: Giường, tủ, bàn ghế, giá kệ… cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước mang lại nguồn thu nhập lớn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Nhờ đó, mức sống của người dân tương đối đồng đều, an ninh trật tự ổn định, cơ bản không còn hộ nghèo trong độ tuổi lao động.
Lê Hồng