Không phải ngẫu nhiên mà nhạc sĩ Thanh Sơn từ mấy chục năm trước đã miêu tả vùng đất này là “Bạc Liêu là xứ cơ cầu, dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu”. Bởi, xưa nay ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bạc Liêu được xem là một trong những hình mẫu phát triển kinh tế HTX.
Từ "ngôi nhà" Hội quán
Dù mới được thành lập cách đây 2 tháng, nhưng Hội quán thuộc Hợp tác xã Đồng Tiến, huyện Hòa Bình đã trở thành điểm hội tụ của các HTX trong khu vực. Đây có thể xem là “ngôi nhà” của các HTX để các thành viên có thể chia sẻ kinh nghiệm, lan tỏa các mô hình hay, cách làm tốt, từ đó hỗ trợ nhau phát triển kinh tế hợp tác, góp phần xây dựng nông thôn mới ở Bạc Liêu.
![]() |
Hiện HTX Đồng Tiến sở hữu diện tích 900ha trên vùng biển gần bờ, được HTX khai thác đưa vào nuôi sò huyết và nghêu. |
Hội quán Hợp tác xã Đồng Tiến còn giới thiệu đến khách tham quan những đặc sản của vùng biển xã Vĩnh Thịnh, đặc biệt là những sản phẩm đạt chuẩn OCOP và các sản phẩm do HTX tự sản xuất, chế biến như Tôm khô, khô cá các loại...
Đây là một trong những hướng đi mới của Hợp tác xã Đồng Tiến nhằm liên kết các HTX, tìm hướng hợp tác, mở rộng sản xuất, phát triển du lịch sinh thái, chế biến sâu các sản phẩm nuôi trồng của Hợp tác xã và tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho thành viên.
Ngoài mô hình này, theo ông Huỳnh Mừng Em – Chủ tịch HĐQT – Giám đốc HTX cho biết, hiện HTX sở hữu diện tích 900ha trên vùng biển gần bờ được HTX khai thác đưa vào nuôi sò huyết và nghêu. HTX luôn quản lý và khai thác tốt nguồn lợi thủy sản được thiên nhiên ưu đãi cho địa phương.
“Hiện chúng tôi có hàng trăm thành viên tham gia thu hoạch nghêu và sò huyết trong khu vực thả nuôi, sản lượng mỗi ngày có lúc trên 2 tấn nghêu, sò thương phẩm, được chuyển đến phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh”, ông Em nói.
Một mô hình khác ở Bạc Liêu cũng được nhiều người nhắc tới, đó là HTX nông nghiệp tổng hợp Ba Đình, ấp Bến Bào, xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân. Hiện nay, HTX có 76 thành viên với diện tích đất sản xuất là 1.000 ha, vốn điều lệ là 62.250.000 triệu đồng; ngành nghề hoạt động của HTX là cung ứng giống vật nuôi, phân bón, chế phẩm sinh học, sản xuất nuôi trồng thủy sản, bao tiêu sản phẩm (lúa và tôm), chế biến khô, nấm, chả cá, …
Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc HTX có cách làm đổi mới trong thời gian dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, nhờ cách làm nhạy bén, linh hoạt đã góp phần giúp thành viên HTX tiêu thụ sản phẩm nông sản không gặp nhiều khó khăn. Hội đồng quản trị cùng các thành viên HTX nông nghiệp tổng hợp Ba Đình đã thực hiện dịch vụ cung ứng hơn 2 triệu con tôm càng xanh, tôm sú, tôm thẻ chân trắng giống phục vụ cho thành viên thả nuôi, tổ chức thu mua và tiêu thụ hơn 10 tấn tôm càng xanh thương phẩm của thành viên HTX, với giá cao hơn thị trường 5.000 – 10.000 đồng/kg.
Đến mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm
Nhằm giúp các thành viên tiêu thụ sản phẩm, từ những bài học do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các kênh thị trường (qua thương lái) bị đứt gãy, hàng hóa nông sản không những khó tiêu thụ mà giá bán bị giảm mạnh, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu đã hỗ 02 HTX nông nghiệp (HTX dịch vụ nông nghiệp Quyết Tiến và HTX nông nghiệp tổng hợp Ba Đình) xây dựng mô hình HTX phát triển bền vững gắn liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.
![]() |
Nhờ đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, HTX, bộ mặt NTM xã Ninh Hòa, H.Hồng Dân, Bạc Liêu ngày càng khang trang, sạch đẹp. |
Bước đầu, mô hình này đã mang lại hiệu quả rất tích cực trong công tác hỗ trợ xây dựng mô hình HTX phát triển bền vững gắn liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp trên địa bàn. Thời gian tới, chia sẻ và mở rộng các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trên toàn tỉnh.
Việc hỗ trợ các HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để phát triển, góp phần xây dựng nông thôn mới là một trong những chủ trương được tỉnh quan tâm và đẩy mạnh thực hiện thời gian qua.
Cũng nhờ những mô hình liên kết sản xuất như các HTX kể trên mà ở Bạc Liêu, kinh tế tập thể, HTX ngày càng phát triển.
Đến nay, tỉnh Bạc Liêu có 188 HTX (tăng 132 HTX so với thời điểm cuối năm 2001). Số thành viên HTX là trên 24.000 thành viên, tăng hơn 15.000 thành viên so với thời điểm cuối tháng 12/2001. Tổng nguồn vốn và tài sản phục vụ hoạt động của các HTX là hơn 1.100 tỷ đồng.
Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 520 tổ hợp tác, thu hút hơn 12.000 thành viên tham gia. Từ khi Luật HTX năm 2012 được ban hành, số lượng các HTX hoạt động hiệu quả tăng lên rõ rệt, chiếm khoảng 55% đối với các HTX nông nghiệp, khoảng từ 50% - 83% với các HTX phi nông nghiệp.
Sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tập thể, HTX cũng đóng góp vào thành công của chương trình NTM của Bạc Liêu. Tỉnh Bạc Liêu hiện có 49/49 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 16 xã nông thôn mới nâng cao, 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu; có 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là huyện Phước Long, thành phố Bạc Liêu, thị xã Giá Rai và huyện Vĩnh Lợi.
Nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa đô thị và nông thôn, tỉnh Bạc Liêu đã và đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu đến năm 2025 có 42 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 15/49 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Tiến Dũng