Với việc phát triển và nhân rộng các mô hình KTHT và HTX đã giúp TP. Bạc Liêu đạt tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất trong xây dựng NTM. Đáng ghi nhận hơn là thu nhập của người dân không ngừng cải thiện và nâng cao.
Phát huy sức mạnh của KTTT
Thời gian qua, TP. Bạc Liêu đã tăng cường tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các đơn vị ban, ngành và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn cùng chung tay thực hiện xây dựng nông thôn mới. Đến nay, các địa phương, đặc biệt là 3 xã thuộc thành phố Bạc Liêu: Xã Vĩnh Trạch, Vĩnh Trạch Đông và Hiệp Thành đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới.
Với việc phát triển và nhân rộng các mô hình KTHT và HTX đã giúp TP. Bạc Liêu đạt tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất trong xây dựng NTM. |
Thời gian tới (giai đoạn 2020-2025), TP. Bạc Liêu tiếp tục giữ vững các tiêu chí xã nông thôn mới và nâng cao chất lượng các tiêu chí; phấn đấu 3/3 xã nêu trên đạt “Xã nông thôn mới kiểu mẫu”.
Đồng thời, nâng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân lên 600 triệu đồng/ha/năm (trong đó, nuôi tôm công nghệ cao là 1.450 triệu đồng/ha/năm; nuôi tôm công nghiệp khoảng 800 triệu đồng/ha/năm; trồng lúa khoảng 120 triệu đồng/ha/năm; trồng rau màu 300 triệu đồng/ha/năm)…
Với kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nên việc khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác (KTHT) ở các xã vùng ven là rất quan trọng. Do đó, UBND TP. Bạc Liêu đã chỉ đạo các địa phương quan tâm phát triển KTHT, hợp tác xã (HTX)
Chẳng hạn như xã Hiệp Thành có HTX Đoàn Kết với vốn điều lệ trên 750 triệu đồng, chuyên cung cấp các loại giống rau màu, phân bón, thuốc trừ sâu cho các thành viên HTX, hỗ trợ thành viên tiêu thụ sản phẩm. HTX Đoàn Kết đang xây dựng vùng trồng rau sạch, ứng dụng công nghệ cao, góp phần cùng địa phương giữ vững diện tích đất chuyên canh rau màu cho xã và thành phố. Trong đó, có nhiều loại rau màu cho giá trị kinh tế cao với tổng doanh thu bình quân 4,9 tỷ đồng/năm và lợi nhuận bình quân 3,5 tỷ đồng/năm.
Còn ở xã Vĩnh Trạch Đông thì có HTX Artemia Bạc Liêu với vốn điều lệ hơn 7 tỷ đồng. HTX Artemia Bạc Liêu đã liên kết, liên doanh với các tổ chức, cá nhân về đầu ra cho sản phẩm, mở rộng ngành nghề, giải quyết việc làm cho thành viên và người lao động. HTX đã và đang thực hiện liên kết với 5 HTX khác, có 250 thành viên tham gia trên diện tích 300ha, đã hình thành nên chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và cho tổng giá trị sản phẩm tiêu thụ trong chuỗi liên kết khoảng 20 tỷ đồng mỗi năm. Năm 2020, doanh thu của HTX Artemia Bạc Liêu đạt trên 42 tỷ đồng…
Ông Cao Thành Văn, Chủ tịch HĐQT HTX Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu chia sẻ, hiện nay, HTX đã thử nghiệm thành công các mô hình sản xuất bền vững bảo đảm môi trường như nuôi luân canh Artemia vào mùa khô, tôm vào mùa mưa, nuôi tôm theo mô hình tuần hoàn khép kín bằng công nghệ sinh học... Không xả thải ra môi trường, thu phân tôm làm thức ăn nuôi Artemia, với quy trình không sử dụng kháng sinh, hóa chất độc hại nhằm tạo ra con tôm sạch, hướng tới xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Tận dụng thế mạnh địa phương để phát triển kinh tế nông thôn
Các mô hình kinh tế HTX đang giúp cuộc sống người dân ngày một nâng cao, kinh tế phát triển bền vững. Ngoài những HTX kể trên, ở TP. Bạc Liêu còn nhiều HTX khác cũng đang khẳng định được vai trò, vị thế trong quá trình xây dựng NTM. Đơn cử như HTX Thanh nhãn Vĩnh Trạch Đông có địa chỉ tại Ấp Biển Tây A, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu; với 07 thành viên; vốn điều lệ 70 triệu đồng; ngành nghề: sản xuất và cung ứng giống cây Thanh Nhãn, cung ứng vật tư nông nghiệp, dịch vụ tiêu thụ trái Thanh Nhãn.
Các mô hình sản xuất, trồng cây áp dụng công nghệ ngày một phổ biến, góp phần xây dựng NTM ở Bạc Liêu thành công. |
Nhãn Bạc Liêu từ lâu đã có tiếng ở thị trường trong và ngoài nước; nhưng vườn nhãn Bạc Liêu ngày càng già, giảm năng suất; thu nhập của người trồng nhãn giảm, nhiều gia đình phải đốn bỏ vườn nhãn cổ để trồng lại hoặc thay bằng cây trồng khác. Việc trồng lại sẽ tốn nhiều thời gian mới cho thu hoạch; các cây trồng khác thì không phù hợp với vùng đất giồng cát ven biển Bạc Liêu như cây nhãn; nên những người nông dân ở đây đã nghiên cứu, cấy ghép lên gốc nhãn cổ một giống nhãn mới lấy tên là Thanh nhãn.
Thanh Nhãn đặc biệt cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao; trung bình các loại nhãn khác có giá từ 30 - 45 ngàn đồng/kg thì Thanh nhãn có giá từ 80 ngàn đồng/kg trở lên. Điểm nổi bật ở Thanh Nhãn là quả to, cơm dày, hạt nhỏ, vị ngọt thanh, dễ bảo quản. Đây cũng là loại cây ăn quả đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền.
HTX Thanh nhãn Vĩnh Trạch Đông sẽ góp phần giúp người nông dân khắc phục những khó khăn nêu trên. Đồng thời, HTX cũng hướng đến sản xuất theo quy trình sạch, an toàn, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu riêng để trở thành sản phẩm đặc trưng của một trong những điểm du lịch nổi tiếng ở Bạc Liêu.
Ngoài ra, một số mô hình nông nghiệp đô thị đang hình thành và bước đầu đạt hiệu quả trong điều kiện sản xuất ít đất và nâng cao hiệu quả trên cùng một diện tích đất như mô hình nuôi các loại cá có giá trị kinh tế cao; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao; mô hình nuôi lươn không bùn; trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá, trồng rau trong nhà lưới kết hợp tưới nhỏ giọt,... mang lại hiệu quả gấp 3 - 4 lần so với sản xuất truyền thống.
Mặt khác, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn TP Bạc Liêu đạt nhiều kết quả khích lệ. Hiện đã có 13 sản phẩm đặc trưng của địa phương được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu phê duyệt là sản phẩm OCOP cấp tỉnh phân hạng chất lượng 4 sao có 7 sản phẩm và 3 sao có 6 sản phẩm. Trong đó, có sản phẩm điểm du lịch “Khu lưu niệm Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu”, là sản phẩm điểm du lịch đầu tiên của đồng bằng sông Cửu Long được xếp hạng 4 sao.
Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, các dự án của nông dân được thành phố quan tâm. Từ năm 2011 đến 2020, thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng, năm 2020 khu vực thành thị là 105,5 triệu đồng/người/năm, khu vực nông thôn là 63,2 triệu đồng/người/năm; tăng 4,16 lần so với năm 2011.Để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa đô thị và nông thôn, Bạc Liêu phấn đấu đến năm 2025, có 42 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 15/49 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; phấn đấu thành phố Bạc Liêu cùng huyện Phước Long hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM kiểu mẫu.
Hơn 10 năm xây dựng NTM, Bạc Liêu có 49/49 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có 16 xã NTM nâng cao, 3 xã NTM kiểu mẫu; có 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM là huyện Phước Long, thành phố Bạc Liêu, thị xã Giá Rai và huyện Vĩnh Lợi.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều nhấn mạnh, mục đích xây dựng nông thôn mới, nhất là nông thôn kiểu mẫu hướng đến là phải lấy chất lượng cuộc sống của người dân làm thước đo các tiêu chí. Có như vậy, mới góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn tỉnh, để làng quê Bạc Liêu trở thành nơi đáng sống.
Nguyễn Hương