Thời gian qua, nhiều HTX vùng đồng bào DTTS đã chia sẻ quá trình sản xuất, chế biến và cung cấp thông tin về nông sản qua Facebook, Zalo và đẩy mạnh bán hàng qua sàn thương mại điện tử... Đây là tín hiệu vui thể hiện sự bắt nhịp thị trường của các HTX trong thời đại công nghệ số.
Giảm nghèo nhờ tăng cường công nghệ thông tin và khoa học kỹ thuật
Ở huyện Cao Lộc (Lạng Sơn), toàn huyện chủ yếu là người dân tộc Nùng (chiếm 57,94% dân số), ngoài ra còn có các dân tộc Tày, Dao, Hoa…các dân tộc sinh sống đoàn kết, cùng nhau sản xuất xây dựng thương hiệu các sản phẩm từ nông nghiệp mà ở đây chính là HTX rau, củ, quả sạch Gia Cát, xã Gia Cát.
Nhiều HTX vùng đồng bào DTTS đã chia sẻ quá trình sản xuất, chế biến và cung cấp thông tin qua các nền tảng mạng xã hội. |
Trong những năm qua, HTX này luôn tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng rau VietGAP nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, giúp giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Để mở rộng thị trường tiêu thụ, HTX Gia Cát đã tham gia vào chuỗi giá trị cung cấp các loại rau quả, bảo đảm an toàn cho thị trường trong và ngoài tỉnh, HTX còn mở rộng kinh doanh thông qua thị trường công nghệ.
Theo anh Hoàng Văn Thuận, Giám đốc HTX Gia Cát, trước đây, các sản phẩm của HTX sau khi được thu hoạch, thường phải vận chuyển đến các chợ đầu mối để tìm người thu mua. Nhưng hiện nay, thành viên đã chụp ảnh sản phẩm đăng lên Zalo, Facebook để quảng cáo. Nhờ đó, khách hàng có thể nắm được các sản phẩm hiện có tại HTX.
“Qua các trang mạng xã hội của thành viên, khách hàng có thể đặt hàng và được HTX giao hàng tận nơi. Đây là cách giúp mang rau quả an toàn đến tận tay người tiêu dùng, tạo niềm tin và hình thành nên thói quen sử dụng rau sạch”, anh Thuận nói.
Bà Nguyễn Thị Nhình, thành viên HTX cho biết: "Gia đình tôi tham gia vào HTX từ năm 2017. Đến nay, các sản phẩm chính của chúng tôi như dưa chuột, cà chua, măng tây… đang rất được thị trường ưa chuộng".
Theo bà Nhình, lợi ích lớn nhất khi tham gia vào HTX là sự đồng hành của HTX từ các dịch vụ đầu vào đến kết nối thị trường tiêu thụ. Với năng suất ổn định, giá bán cao, bình quân mỗi ha rau công nghệ cao, có thể thu về 90 - 100 triệu đồng mỗi vụ, đã giúp gia đình tôi thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Có thể nhận thấy, vai trò của thương mại điện tử trong việc phát triển kinh tế, đặc biệt là ở vùng DTTS và miền núi, sẽ dễ dàng giúp người dân và các HTX giới thiệu và kết nối sản phẩm tới khách hàng một cách tiện lợi, dễ dàng. Việc ứng dụng công nghệ số trong việc giới thiệu, tiêu thụ và quảng bá sản phẩm đã được nhiều HTX nông nghiệp vùng DTTS và nhiều hộ dân ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế.
Để không ai bị bỏ lại phía sau
Ông Nguyễn Thế Quang, Phó cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đánh giá, việc phát triển thị trường trên nền tảng số đã mang lại hiệu quả tích cực.
Để phát huy hết vai trò của thị trường công nghệ số, cần phải có giải pháp đồng bộ từ chính sách hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật đến đào tạo nâng cao trình độ và kỹ năng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động thương mại điện tử cho các HTX một cách phù hợp và thiết thực.
Hoạt động thương mại điện tử của các HTX đã góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. |
Các ngành chức năng cần tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý và sản xuất đào tạo nhân lực mới có thể giúp người nông dân, HTX bắt kịp thị trường công nghệ số hiện nay.
“Rõ ràng, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động sản xuất, khởi nghiệp của đồng bào DTTS đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững”, ông Quang nói.
Khác với hình dung của nhiều người về một cô gái DTTS lấy chồng sớm, con cái nheo nhóc, Ma Thị Chú, sinh năm 1991, dân tộc Mông ở thị trấn Mường Khương, tỉnh Lào Cai hiện là giám đốc HTX Châu Thịnh Phong, chuyên về trồng chuối, sản xuất cây con giống và liên kết tiêu thụ sản phẩm với bà con nông dân.
Không chỉ trực tiếp bán hàng online, mà Chú còn hướng dẫn cho các chị em trong bản học cách bán hàng online. Chú bắt đầu lập zoom để tổ chức trao đổi và truyền đạt lại cách bán hàng, mỗi buổi hướng dẫn cho khoảng 20 chị em.
Nói về những nỗ lực tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân của cô gái Mông Ma Thị Chú, ông Trần Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Mường Khương cho biết: HTX của Ma Thị Chú không chỉ giúp người dân liên kết trồng và tiêu thụ nông sản, liên kết sản xuất theo vùng mà còn tạo việc làm cho các lao động là người DTTS.
Từ chỗ bán hàng online, giờ đây Ma Thị Chú còn livestream để chia sẻ cảnh đẹp, phong tục tập quán quê hương mình. Ma Thị Chú mong muốn tương lai sẽ xây dựng mô hình nông nghiệp sạch gắn với phát triển du lịch, giúp bà con từng bước phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và đi lên làm giàu.
Ông Trần Phùng, Phó ban Dân tộc tỉnh Lào Cai chia sẻ, công nghệ thông tin đã tạo điều kiện cho đồng bào DTTS có thể tận dụng để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, giúp điều phối linh hoạt, không phải mất quá nhiều chi phí trung gian. Vì vậy, nắm bắt cơ hội khai thác sử dụng công nghệ thông tin trong thời đại Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động rất lớn trong khởi nghiệp, sản xuất, kinh doanh.
“Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đối với các HTX nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của đồng bào DTTS, từ đó, sẽ góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”, ông Trần Phùng cho hay.
Đoàn Huyền