Được ví là trung tâm nuôi cá lồng của tỉnh Tuyên Quang, thôn Ba Luồng (xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên) có hàng chục bè nuôi cá lồng nối đuôi nhau san sát. Trước đây, bà con sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá tự nhiên ở các khúc sông.Theo thời gian, nguồn lợi thủy sản trên sông ngày càng cạn kiệt, nhất là những loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá chiên. Vài năm trở lại đây, thay vì đánh bắt ngoài tự nhiên, người dân đã chủ động tìm tòi, học hỏi đầu tư làm lồng, bè để nuôi cá chiên và đã có kết quả tích cực về kinh tế, đảm bảo nguồn thu nhập ổn định.
Nuôi cá lồng thay đổi cuộc sống
Gia đình ông Vương Văn Hùng, thôn Ba Luồng, một trong những người tiên phong trong việc nuôi cá chiên lồng ở xã Thái Hòa. Ông Hùng cho biết, cá chiên là loài cá đặc sản nên có giá trị kinh tế rất cao, giá bán dao động từ 450.000 – 500.000 đồng/kg. Nếu 1 lồng nuôi từ 100 -120 con cá chiên giống, sau 12 tháng chăm sóc cá đạt trọng lượng từ 1,5 - 2 kg, trừ chi phí người nuôi có lãi khoảng 50- 60 triệu đồng/lồng. Gia đình ông hiện đang nuôi 8 lồng cá chiên, thu nhập mỗi năm trên 400 triệu đồng.
![]() |
Mô hình nuôi cá chiên đặc sản của gia đình ông Chử Ngọc Dũng, xóm 11 xã Tràng Đà (Ảnh: Tư liệu) |
Còn gia đình ông Trịnh Văn Công, thôn Ba Luồng khi chưa nuôi cá lồng, gia đình ông chỉ làm ruộng, nhà đông con nên kinh tế rất khó khăn. Thấy được hiệu quả kinh tế của nghề nuôi cá chiên lồng, ông Công đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng, vay tiền của anh em bạn bè đầu tư lồng, bè để nuôi cá.
Ông Công chia sẻ: "Năm đầu tiên nuôi cá chiên tôi gặp rất nhiều khó khăn, vợ chồng tôi phải đi tìm mua từng con cá giống từ những người thuyền chài, đánh bắt cá trên sông Lô, gom góp được trên 100 cá chiên giống, chúng tôi thả nuôi và chăm bẵm, gửi gắm rất nhiều hi vọng. Sau khoảng 14 tháng chăm sóc, chúng tôi xuất bán đàn cá và thu lãi gần 50 triệu đồng, từ đó mở ra cho chúng tôi hướng làm ăn mới để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống".
Với 4 lồng cá chiên, trung bình mỗi năm, gia đình ông Công có thu nhập trên dưới 200 triệu đồng. Việc nuôi cá cũng không còn vất vả như trước nữa vì gia đình ông đã có mối cung cấp cá chiên giống ở tỉnh Thanh Hóa. Nhờ nuôi loài cá đặc sản này, ông Công đã xây được nhà khang trang, cho con cái học hành tử tế và đã có công ăn việc làm. Trong thời gian tới, ông Công dự định sẽ đầu tư tăng số lượng lồng nuôi để nuôi cá chiên lâu dài.
Nghề nuôi các lồng đặc sản không chỉ phát triển ở xã Thái Hòa, nhiều hộ dân ở xã Tràng Đà nằm ở phía bắc của TP Tuyên Quang cũng đóng lồng bè nuôi cá trên sông Lô. Gia đình ông Chử Ngọc Dũng, xóm 11 xã Tràng Đà đã gắn bó với nghề đánh bắt cá trên Sông Lô từ những năm 1990, nhưng cuộc sống ổn định của gia đình ông Dũng, chỉ bắt đầu khi ông mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi cá lồng trên sông Lô từ năm 2001.
![]() |
Cá chiên là loài cá đặc sản nên có giá trị kinh tế rất cao với từ 450.000 – 500.000 đồng/kg (Ảnh: TL) |
Ông Dũng cho biết: Lúc đầu nghề nuôi cá khá vất vả, đầu ra bấp bênh nhưng gia đình ông vẫn quyết định gắn bó. Hiện tại, gia đình ông đã có 5 lồng cá, chủ yếu là cá Chiên và cá quất, đây là 2 loại cá được thị trường ưa chuộng và giá bán cao.
Tạo ra sản phẩm chất lượng khác biệt
Với mục tiêu tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, nhằm phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang đã lựa chọn cá lồng là sản phẩm chủ lực trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Trên cơ sở đó, tháng 1/2019, HTX dịch vụ cá sạch Gềnh Quýt Tràng Đà được thành lập với 17 hội viên đều là những hộ đã có nhiều năm kinh nghiệm nuôi cá lồng trên sông.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc HTX cho biết do nắm chắc kỹ thuật, chủ động về việc lựa cá giống tốt nên khi tham gia vào HTX đã giúp cho các hộ nông dân liên kết lại với nhau, chuyển đổi từ hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, manh mún để phát triển lên thành sản xuất hàng hóa tập trung có quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều thành viên thoát nghèo.
Hiện nay, tỉnh Tuyên Quang đang có chủ trương thành lập HTX cá đặc sản, chủ yếu là nuôi cá chiên nhằm giúp bà con có thị trường tiêu thụ và nguồn cá giống ổn định. Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng đang tập trung xây dựng thương hiệu cá chiên đặc sản, hướng tới phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung chất lượng cao.
Hoàng Lê