HTX Trường Mạnh được thành lập vào năm 2016, bắt đầu từ một ý tưởng đầy táo bạo và tham vọng của anh Nguyễn Xuân Đang - người sáng lập và hiện là giám đốc của HTX. Nhận thấy tiềm năng lớn trong việc nhân giống và nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là cá lăng và cá tầm – những loại cá có giá trị kinh tế cao, anh Đang đã quyết định đầu tư và xây dựng một mô hình nuôi thủy sản trên sông Đuống.
Khởi nghiệp từ... thú vui
Anh Đang chia sẻ, ý tưởng nuôi cá lồng trên sông được hình thành từ thú vui câu cá trên sông mỗi buổi chiều. Qua tìm hiểu thông tin về các mô hình nuôi cá lồng, anh đã quyết định hiện thực hóa ý tưởng đó bằng cách thành lập HTX và trở thành một trong những người tiên phong nuôi cá lồng trên sông Đuống.
Từ năm 2017, Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc HTX đã quyết định áp dụng nuôi cá lồng và sản xuất cá giống theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, HTX đang tích cực chỉ đạo các thành viên tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm theo chương trình hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Bắc Ninh.
HTX gồm 10 thành viên nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGAP với số lượng 85 lồng cá. |
Với mong muốn phát huy tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và đi sâu vào sản xuất, đến nay, HTX gồm 10 thành viên nuôi 85 lồng cá. Các giống cá chủ yếu là các loài đặc sản như cá lăng chấm, chép giòn, diêu hồng…, sản lượng 500-600 tấn/năm. HTX đã triển khai hệ thống lồng bè nuôi cá, vừa đảm bảo nguồn nước sạch từ thiên nhiên, vừa giảm chi phí so với nuôi trong ao hồ. Điều này không chỉ giúp cá phát triển tốt, mà còn đảm bảo được chất lượng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng.
Để đáp ứng quy chuẩn VietGAP, các thành viên thực hiện quy trình nuôi bài bản, mỗi lồng được gắn biển, ghi chép cẩn thận về ngày thả giống, chủng loại giống, loại cám cho ăn… HTX có sổ theo dõi các lồng nuôi về lượng thức ăn, thuốc phòng bệnh để giám sát quy trình nuôi, bảo đảm chất lượng và hiệu quả tại từng lồng nuôi cá, phục vụ việc truy xuất nguồn gốc khi tiêu thụ.
Nhờ quy trình nuôi trồng sạch, quá trình sinh trưởng của cá được bảo đảm, ít xảy ra dịch bệnh, chất lượng sản phẩm tăng, giúp hiệu quả sản xuất của HTX Trường Mạnh được nâng lên. Quy trình sản xuất khoa học cũng giúp thành viên HTX giảm công lao động, bảo đảm sức khỏe. Cùng với việc đầu tư thêm máy móc hiện đại phục vụ cho quá trình sản xuất, HTX cũng xây dựng các kênh quảng bá trên mạng xã hội Facebook, Zalo để tiếp cận khách hàng tốt hơn, trở thành địa chỉ uy tín, tin cậy của nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Chủ động tìm hướng đi riêng
Từ khi mới thành lập, HTX Trường Mạnh đã xây dựng một quy trình nuôi cá khép kín từ khâu nhân giống cho đến xuất bán. Đầu tiên, HTX tập trung vào việc nhân giống các loại cá lăng và cá tầm – hai loại cá có giá trị kinh tế cao nhưng yêu cầu kỹ thuật nuôi khắt khe. Để đảm bảo chất lượng giống, HTX đã đầu tư vào cơ sở vật chất hiện đại và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc chăm sóc và nhân giống cá.
HTX đã triển khai hệ thống lồng bè nuôi cá, vừa đảm bảo nguồn nước sạch từ thiên nhiên, vừa giảm chi phí so với nuôi trong ao hồ. |
Sau khi cá giống đạt kích thước đủ lớn sẽ được chuyển vào các lồng bè trên sông để tiếp tục nuôi. Nhờ việc nuôi trong môi trường tự nhiên, cá lăng và cá tầm của HTX Trường Mạnh không chỉ phát triển tốt về trọng lượng mà còn đảm bảo được hương vị tươi ngon đặc trưng. Đây cũng là lý do khiến các sản phẩm của HTX luôn được các nhà hàng và đối tác tin dùng.
Khi cá đạt kích thước xuất bán, HTX tiến hành thu hoạch và phân phối trực tiếp đến các nhà hàng lớn trong và ngoài tỉnh. Quá trình này được thực hiện một cách chuyên nghiệp, đảm bảo cá đến tay khách hàng trong tình trạng tươi ngon nhất. Bên cạnh đó, HTX cũng thực hiện các biện pháp bảo quản hiện đại để kéo dài thời gian tươi sống của cá khi vận chuyển xa.
Một trong những điểm sáng của HTX chăn nuôi thủy sản Trường Mạnh là sự đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế địa phương. Với mô hình chăn nuôi quy mô lớn, HTX đã tạo ra hàng trăm việc làm cho người dân xã Mão Điền và các khu vực lân cận. Các công việc từ chăm sóc cá giống, quản lý lồng bè, thu hoạch đến vận chuyển cá đều cần đến sự tham gia của lao động địa phương, giúp họ có thêm thu nhập ổn định.
Các giống cá chủ yếu là các loài đặc sản như cá lăng chấm, chép giòn, diêu hồng…, sản lượng 500-600 tấn/năm. |
Không chỉ dừng lại ở đó, HTX Trường Mạnh còn tích cực tham gia vào các chương trình hỗ trợ nông dân, chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng thủy sản. Bằng cách tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá lăng và cá tầm, HTX đã giúp nhiều hộ nông dân nâng cao kiến thức và kỹ năng, từ đó phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản của riêng mình.
Anh Triệu Hoàng Thêu - thành viên HTX cho biết, trước khi tham gia HTX, gia đình anh cũng khai thác mặt nước của lưu vực sông Đuống để nuôi 2 lồng cá. Từ khi tham gia vào HTX, anh được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, tham quan học tập kinh nghiệm tại tỉnh Sơn La nên mạnh dạn đầu tư nuôi với số lượng lớn hơn. Đến nay, gia đình anh sở hữu 4 lồng nuôi các loại cá chép, trắm, diêu hồng, rô phi đơn tính cho thu nhập khoảng 50 triệu/lồng/năm. Trước hiệu quả kinh tế từ nuôi cá lồng, anh Thêu đang có dự định mở rộng thêm quy mô sản xuất trong thời gian tới.
Mỗi năm, HTX xuất ra thị trường trong và ngoài tỉnh vài trăm tấn cá thương phẩm và 5 triệu con cá giống các loại chủ yếu là cá rô, cá chép, cá lăng…, doanh thu khoảng 10 tỷ đồng, bình quân thu nhập của thành viên và lao động đạt 8 triệu đồng/người/ tháng.
Nỗ lực hành động vì môi trường
Anh Trần Văn Lân - ban lãnh đạo HTX cho biết, HTX Trường Mạnh đã triển khai mô hình chăn nuôi thủy sản trên sông Đuống với mục tiêu không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn đảm bảo bảo vệ môi trường. Việc nuôi trồng trên sông giúp tận dụng được nguồn nước tự nhiên, giảm chi phí về nguồn nước và tạo điều kiện cho thủy sản phát triển trong môi trường gần gũi với thiên nhiên. Tuy nhiên, để hạn chế tác động tiêu cực đến hệ sinh thái sông Đuống, HTX đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật hiện đại.
Các lồng bè nuôi trồng được thiết kế theo hướng thân thiện với môi trường, sử dụng các vật liệu bền vững và không gây ô nhiễm nước. HTX còn áp dụng hệ thống lọc sinh học để xử lý nước thải trước khi xả trở lại sông, đảm bảo nguồn nước luôn sạch và không gây hại cho hệ sinh thái dưới nước. Đồng thời, HTX cũng đặc biệt chú trọng đến việc kiểm soát chất lượng thức ăn chăn nuôi, lựa chọn những loại thức ăn có nguồn gốc hữu cơ và không chứa các chất phụ gia độc hại, giúp duy trì môi trường nuôi trồng an toàn.
Mô hình này không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm mà còn bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên sông Đuống. Nhờ đó, HTX Trường Mạnh đã góp phần giữ gìn và bảo vệ môi trường sông ngòi, đồng thời đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, đáp ứng nhu cầu của thị trường mà vẫn giữ vững cam kết bảo vệ thiên nhiên.
Mỗi lồng được cắm biển, ghi chép cẩn thận về ngày thả giống, chủng loại giống, loại cám cho ăn… |
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, HTX Trường Mạnh vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển. Một trong những khó khăn lớn nhất là vấn đề môi trường nước. Việc nuôi trồng trên sông đòi hỏi nguồn nước phải sạch và ổn định. Tuy nhiên, trong bối cảnh ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, HTX đã phải đầu tư thêm các hệ thống lọc nước, kiểm soát chất lượng nước để đảm bảo môi trường sống tốt nhất cho cá nuôi.
Ngoài ra, việc duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm cũng là một thách thức không nhỏ. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, HTX Trường Mạnh đã không ngừng cải tiến quy trình nuôi trồng, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển giống cá, cũng như mở rộng quy mô sản xuất.
Với sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng, HTX chăn nuôi thủy sản Trường Mạnh đang từng bước khẳng định vị thế của mình trong ngành thủy sản. Mô hình nhân giống và nuôi cá lăng, cá tầm của HTX không chỉ góp phần cung cấp nguồn thực phẩm chất lượng cho thị trường mà còn tạo ra những giá trị bền vững cho kinh tế địa phương.
"Trong tương lai, với chiến lược phát triển rõ ràng và sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, HTX sẽ tiếp tục đặt mục tiêu và phấn đấu gặt hái những thành công mới, trở thành một trong những đơn vị đi đầu trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tại miền Bắc", Giám đốc Nguyễn Xuân Đang bày tỏ.
Lê Hồng